TP - Cách đây 55 năm, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngày 15/10/1954, tại cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) ngày nay (bến Sầm Sơn cũ) là điểm đầu tiên trên đất Bắc đón tiếp đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc.
Tấm bia tại cảng Lạch Hới (thị xã Sầm Sơn) ghi lại sự kiện lịch sử đón đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 - Ảnh: Hoàng Lam
Từ nơi đây, các cán bộ, chiến sĩ, học sinh được di chuyển đến nhiều vùng miền khắp Miền Bắc để học tập, rèn luyện và xây dựng kinh tế. Những ngày này, PV Tiền Phong trở lại Sầm Sơn, gặp các nhân chứng lịch sử.
Bài 1: Chứng tích duy nhất
Theo tài liệu Lịch sử Đảng bộ thị xã Sầm Sơn, xã Quảng Tiến nằm ở phía bắc của thị xã du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa) - nơi có cảng Lạch Hới - bến cảng đầu tiên đón các cán bộ, chiến sĩ; thương, bệnh binh; học sinh, sinh viên Miền Nam tập kết ra Bắc vào ngày 15/10/1954.
Thực hiện chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy Thanh Hóa, để chuẩn bị cơ sở vật chất đón đoàn cán bộ, chiến sĩ; thương, bệnh binh; học sinh, sinh viên Miền Nam tập kết ra miền Bắc, các chi bộ đảng ở Sầm Sơn lúc bấy giờ đã huy động nhân dân xây dựng khu lán A (dài 500m, rộng 30m) dọc bến xóm Toàn đến xóm Thành Lập; khu lán B nằm về phía tây xóm Phúc (xã Quảng Tiến ngày nay).
Trong những ngày ở Sầm Sơn, chúng tôi gặp ông Trần Trí Hợi (87 tuổi) là bí thư chi bộ, chủ tịch UBND xã Quảng Tiến lúc bấy giờ - người trực tiếp lãnh đạo, tổ chức cho nhân dân địa phương đón tiếp đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc.
Ông Hợi kể: “Được cấp trên giao nhiệm vụ, lực lượng dân quân, nhân dân xã Quảng Tiến và các địa phương lân cận đã huy động đóng góp hàng chục nghìn cây luồng, rồi vận chuyển đất, đá làm đường từ trụ sở của Sầm Sơn ra bến Lạch Hới để đón đồng bào miền Nam.
Ngày đó, các chuyến tàu biển rất lớn đưa đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc, không cập được bến Sầm Sơn, phải đậu cách xa đất liền vài cây số. Vì vậy, địa phương phải huy động, sử dụng các loại tàu, thuyền nhỏ để đưa đồng bào vào bờ. Có những chuyến tàu mất hai ngày mới chở hết đồng bào mình vào đất liền.
Mỗi người một việc, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đều được giao nhiệm vụ cụ thể. Tôi còn nhớ, các cháu thanh, thiếu nhi được được giao nhiệm vụ nấu cơm, phục vụ hậu cần, tổ chức văn nghệ... tiếp đón đồng bào Miền Nam đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với đồng bào ruột thịt của mình...”.
Trước khi đón đồng bào Miền Nam trên các chuyến tàu biển, tại bến Sầm Sơn đã diễn ra cuộc trao trả các chiến sĩ của ta bị Pháp bắt. Hàng ngàn đồng bào ở Sầm Sơn và các huyện lân cận đứng chật hai bên đường chào đón những người con thân yêu, đồng bào mình được trở về quê hương.
Sau khi hoàn thành việc trao trả, tổ chức đảng và nhân dân Sầm Sơn lại tham gia đón tiếp cán bộ, bộ đội, đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954.
Mong mỏi của người Sầm Sơn
Sau nhiều năm được đầu tư xây dựng, bến Sầm Sơn xưa - nay là cảng cá Lạch Hới trở thành một trong những bến cảng, khu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa.
Cảng cá này hiện có chỗ đậu cho 450 đến 500 tàu, thuyền đánh cá các loại. Hiện tại cảng Lạch Hới, UBND thị xã Sầm Sơn xây dựng một bức tường có gắn bảng ghi dòng chữ: Nơi đây, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955 đã đón 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở Miền Nam tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam.
Sau khi lên đất liền nghỉ tại Sầm Sơn một thời gian, hầu hết đồng bào, Miền Nam được di chuyển, phân công đến các địa phương khác ở miền Bắc để học tập, rèn luyện và tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Các công trình lán, trại đón đồng bào miền Nam ruột thịt ngày đó ở Quảng Tiến sau này được phá dỡ, dành đất cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong số người Miền Nam ở lại công tác, làm việc tại Sầm Sơn suốt mấy chục năm qua có nhiều người đã hy sinh, mất trên mảnh đất vùng biển này.
Mảnh đất từng làm lán nghỉ tạm cho đồng bào Miền Nam năm xưa - Ảnh: Hoàng Lam
Hiện nay, tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã Sầm Sơn có 15 ngôi mộ của các chiến sĩ Miền Nam (quê ở Bình Định, Quảng Trị, Tây Ninh, Sài Gòn...) sau khi tập kết ra Bắc đang yên nghỉ trong vòng tay chăm sóc của người Sầm Sơn.
Nhân dân thị xã Sầm Sơn hôm nay nhiều người không khỏi bùi ngùi khi kể về sự kiện đón đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc cách đây 55 năm.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hoàng Văn Truyền - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn đề nghị: “Với những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị xã Sầm Sơn trong việc đón tiếp, nuôi dưỡng đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc cách đây 55 năm, địa phương rất xứng đáng được xây dựng một công trình văn hóa, lịch sử nhằm ghi nhận, lưu giữ những tài liệu quý về sự kiện này.
Chính quyền thị xã rất mong cấp trên quan tâm đến địa danh cảng Lạch Hới - nơi đầu tiên đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để đây sẽ trở thành địa chỉ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp trẻ hôm nay và du khách thập phương mỗi lần về với thị xã du lịch Sầm Sơn...”.
TP - Trong hàng chục nghìn đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc, cập cảng Lạch Hới (Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn Thanh Hóa) ngày 15/10/1954, có rất nhiều người ở lại học tập, sinh sống và gắn bó cuộc đời mình với Miền Bắc.
Tại Thanh Hóa, nhiều chiến sĩ Miền Nam đã đi xây dựng Nông trường Phúc Do, Nông trường Thạch Thành (huyện Thạch Thành), Nông trường Lam Sơn (huyện Ngọc Lặc), Nông trường Thống Nhất (huyện Yên Định) và Nông trường Yên Mỹ (huyện Nông Cống).
Huyện Nông Cống là địa phương của Thanh Hóa đón nhiều đồng bào miền Nam nhất. Vào năm 1954 và 1955, huyện này đón gần 200 gia đình và gần 1.000 học sinh, sinh viên Miền Nam về sinh sống, tập trung ở các xã Hoàng Giang, Trung Chính, Vạn Hòa. Riêng xã Vạn Hòa có đông đồng bào đến sinh sống nhất, vì nơi đây gần bệnh viện và thuận lợi giao thông.
Ông Châu Hồng Hải (79 tuổi) - chiến sĩ Miền Nam thuộc Sư đoàn 330, quê ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) kể lại: “Tháng 12/1954, chúng tôi được đưa ra Miền Bắc trên một chuyến tàu của Liên Xô. Sau nhiều ngày đêm lênh đênh trên biển, tôi cùng đồng đội cập bến Sầm Sơn (Thanh Hóa), và được đón tiếp rất nồng hậu.
Ở lại một đêm tại lán trại tập kết, 6 giờ sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu hành quân 16 km từ Sầm Sơn về Cầu Cốc (phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa ngày nay).
Sau đó, đơn vị chúng tôi về huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc giúp người dân địa phương đắp đê, sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn sống theo nếp sống mới. Những năm sau đó, chúng tôi lên huyện Thọ Xuân xây dựng doanh trại quân đội. Năm 1957, đơn vị về đóng tại xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống”.
Sau khi về công tác tại Nông Cống ổn định, đến năm 1962, ông Hải xây dựng gia đình với cô giáo Lê Thị Môn, ở làng Thanh Ban, xã Vạn Hòa và ở lại đây. Thời gian sau đó, ông đi học nâng cao tại Hà Nội, rồi làm việc nhiều nơi cho đến khi nghỉ hưu và sinh sống tại quê vợ.
Vợ chồng ông Hải sinh được năm con. Sau giải phóng, nhiều lần ông định đưa vợ con trở về quê hương Tiền Giang sinh sống, nhưng rồi lại quyết định gắn bó với xứ Thanh.
Đặt nền móng xây dựng các nông trường quốc doanh
Theo tài liệu lịch sử của Nông trường Lam Sơn (huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa), thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, quyết định của Tổng quân ủy và Bộ Quốc phòng, năm 1957, Sư đoàn 330 đã biên chế một lực lượng (chủ yếu là bộ đội Miền Nam tập kết ra Bắc) cùng với Trung đoàn 4 - Đoàn 78 thành lập Trung đoàn 25 về đóng quân tại Lam Sơn để làm kinh tế, kết hợp với quốc phòng.
Tháng 10/1957, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Sư đoàn 330 và ghi lại trong sổ vàng truyền thống của Sư đoàn này là: Trung đoàn 25 được giao nhiệm vụ xây dựng nông trường, đặt tên là Nông trường Lam Sơn. Các đồng chí hãy thực hiện tốt quyết định ấy của Tổng quân ủy, góp phần mở mang vùng Lam Sơn lịch sử thành khu kinh tế đông vui, giàu đẹp. Làm được như vậy, các đồng chí sẽ cống hiến thiết thực, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, bảo vệ biên cương Tổ quốc...
Thực hiện chỉ thị của Đại tướng, ngày 22/12/1958, Trung đoàn 25 được quyết định đặt tên là Nông trường Lam Sơn. Đây là một trong những nông trường quốc doanh ra đời sớm nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Ông Lê Văn Thọ (sinh năm 1932), quê ở xã Tân Trạch, huyện Cần Đước (Long An) - một trong những chiến sĩ Miền Nam tập kết ra Bắc ở lại xây dựng Nông trường Lam Sơn, kể lại: “Khi chúng tôi về vùng đất Lam Sơm xây dựng nông trường, nơi đây còn khó khăn lắm. Tất cả anh em trần lưng ra khai hoang, phục hóa, rồi trồng cao su, cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Từ khi thành lập đến cuối năm 1960, nông trường trồng được 158 ha cà phê, 188 ha cao su, 660 ha cây hàng năm; xây trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà; chế biến tinh bột sắn, làm đường thủ công. Từ đó, đời sống của anh em ở nông trường dần bớt khó khăn”.
Ngoài Nông trường Lam Sơn, hàng trăm chiến sĩ Miền Nam tập kết ra Bắc đã ở lại xứ Thanh góp phần quan trọng và đặt nền móng để xây dựng Nông trường Phúc Do, Nông trường Thạch Thành (huyện Thạch Thành), Nông trường Thống Nhất (huyện Yên Định) và Nông trường Yên Mỹ (huyện Nông Cống).
TP - Sau khi đón đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc tại bến Sầm Sơn (nay gọi là cảng Lạch Hới - Sầm Sơn), lần lượt hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Miền Nam di chuyển tới các địa phương khác ở nhiều tỉnh Miền Bắc tham gia quân đội, phát triển kinh tế.
Hàng trăm học sinh Miền Nam (độ tuổi từ 12 đến 15) những ngày đầu ra Bắc đã lưu lại Thanh Hóa học tập, rèn luyện từ năm 1954 đến hết năm 1955.
Tại Thanh Hóa lúc bấy giờ có các trường số 3, số 5, số 7, số 9 ở các xã Quảng Giao, Quảng Hải, Quảng Ngọc (huyện Quảng Xương) trực tiếp dạy dỗ, chăm sóc khoảng gần 800 học sinh Miền Nam.
Hai trong số hàng chục thầy giáo xứ Thanh dạy học sinh Miền Nam cách đây 55 năm vẫn còn sống tại quê nhà.
Trong một buổi sáng tháng Bảy lác đác mưa, chúng tôi về xã Quảng Hùng, huyện Quảng Xương gặp ông Lê Vạn Phiên (sinh năm 1928) nguyên giáo viên dạy học sinh Miền Nam ở Trường số 3 (đặt tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương ngày nay).
Ông Phiên còn khỏe, minh mẫn và hài hước khi trò chuyện với chúng tôi. Ông nhớ lại: “Tháng 7/1954, chúng tôi nhận được lệnh của Ty Giáo dục Thanh Hóa là xây dựng cơ sở vật chất tại các xã Quảng Giao, Quảng Ngọc, Quảng Hải để đón học sinh miền Nam tập kết ra Bắc về học tập, rèn luyện.
Suốt nhiều tháng trời, các thầy giáo của Ty Giáo dục phối hợp với chính quyền, dân địa phương nhanh chóng dựng các phòng học tranh tre, nứa lá, trát vách phòng học bằng bùn ao trộn rơm khô để kịp đón học sinh Miền Nam.
Ngày 15/10/1954, cùng với nhân dân Sầm Sơn, các thầy giáo cũng xuống bến Sầm Sơn đón, bế từng em từ cửa biển vào lán trại nghỉ tạm, rồi sau đó đưa về các trường theo lịch đã phân công.
Những ngày đầu thầy trò làm quen, sau đó các em gọi chúng tôi là chú, xưng con. Những ngày tháng ấy là kỷ niệm không thể nào quên trong đời tôi...”.
Cũng như ông Phiên và nhiều thầy giáo khác, ông Đàm Lê Cẩn (sinh năm 1929) - giáo viên dạy học sinh Miền Nam tại Trường số 9 (tại xã Quảng Ngọc ngày nay) những ngày đó chưa lập gia đình, nên các thầy dành hết thời gian, tâm huyết cho học sinh Miền Nam.
Ông Cẩn tâm sự: “Ngày đó, chúng tôi tiếp đón các em học sinh và đồng bào Miền Nam trong không khí nhộn nhịp, ấm tình ruột thịt. Cùng với chúng tôi, những người được giao nhiệm vụ đón các em học sinh Miền Nam đều đồng thanh hát bài Kết đoàn, hô vang khẩu hiệu Hòa bình ở Việt Nam, đả đảo chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp, khi đưa các em về trường.
Trường số 9 ở xã Quảng Ngọc ngày đó có gần 200 học sinh Miền Nam theo học. Việc lựa chọn thầy để dạy cho học sinh Miền Nam cũng khá đặc biệt. Các thầy giáo phải biết tất cả các môn thể dục- thể thao, văn nghệ...
Mỗi buổi tối, chúng tôi thường tổ chức văn nghệ, ca hát cho các em học sinh nghe để các em vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ.
Một kỷ niệm khiến tôi còn nhớ mãi là có lần, một đồng chí cán bộ từ xa về, vào tận trường thăm con mình trước sự chứng kiến của những học trò khác. Sau khi người cán bộ đó rời trường, tất cả các học sinh khác yêu cầu nhà trường phải cho gặp ba mẹ.
Vậy là chúng tôi phải dỗ dành, làm công tác tư tưởng cho các em mất mấy ngày để các em yên tâm học tập...”.
Những hạt giống đỏ
Tuy có thời gian học tại Thanh Hóa khá ngắn, nhưng buổi chia tay vào một ngày đầu năm 1956 giữa thầy trò ở các trường có học sinh Miền Nam học tập tại Quảng Xương lúc bấy giờ rất bịn rịn.
“Lúc các em lên ô tô, nhiều em khóc như mưa, cứ đòi thầy Cẩn, thầy Phiên, thầy Đạt đi cùng. Cuộc chia tay mau lẹ khiến những năm tháng sau này, các thầy giáo xứ Thanh vẫn bùi ngùi. Nhiều học trò, trong dịp lễ, tết hằng năm vẫn tìm về và liên lạc với thầy giáo cũ, nhắc lại ký ức xưa.
Sau 50 năm, đến tháng 10/2004, tại cuộc gặp mặt của các học sinh Miền Nam trên đất Bắc, tổ chức ở TP Hải Phòng, thầy Bắc, trò Nam mới có dịp gặp lại, vui mừng khôn xiết. Mãi đến lúc đó tôi mới biết có một học trò cũ của mình sau này là nhà báo Đức Lượng - nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân.
Nhiều học trò của chúng tôi ngày đó được Đảng, Bác Hồ đặt niềm tin, gọi là những hạt giống đỏ đã trưởng thành, đảm nhiệm các cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước và trở thành lãnh đạo của nhiều tỉnh phía Nam” - Ông Đàm Lê Cẩn bùi ngùi nhớ lại.
Được biết, năm nay những hạt giống đỏ của Miền Nam năm xưa sẽ có cuộc gặp mặt tại tỉnh Quảng Ngãi. Đây là hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc và Ngày thành lập các trường học sinh Miền Nam trên đất Bắc.
“Chúng tôi tuổi cao, sức yếu nên mong được gặp học trò cũ nơi Miền Nam ruột thịt một lần nữa. Chúng tôi thật sự vui mừng khi học trò của mình thành đạt.
Chúc các em học sinh Miền Nam - những hạt giống đỏ được ươm mầm, bồi dưỡng, học tập và rèn luyện trên đất Bắc trước kia, nay tiếp tục phát huy hào khí cách mạng, làm rạng đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển...”- Hai thầy giáo già ở xứ Thanh mong muốn.