Hán Cao Tổ
Cao Tổ (tiếng Trung Quốc: 高祖; bính âm: Gāozǔ; 256 TCN hay 247 TCN – 1 tháng 6, 195 TCN), ở bên trong Trung Quốc thường được gọi là Cao Tổ, tên riêng Lưu Bang, là hoàng đế đầu tiên của Nhà Hán Trung Quốc, cai trị đất nước từ năm 202 TCN tới 195 TCN, và là một trong số ít người sáng lập triều đại xuất thân từ tầng lớp nông dân (một người khác là Chu Nguyên Chương, người sáng lập Nhà Minh). Trước khi trở thành hoàng đế, ông từng được gọi là Bái Công (沛公) theo địa danh nơi sinh. Ông cũng được Hạng Vũ phong làm Hán Vương sau khi Nhà Tần sụp đổ, và thường được gọi bằng cái tên đó cho tới khi lên làm hoàng đế.
Tuổi trẻ
Lưu Bang sinh ra trong một gia đình nông dân tại Bái (hiện nay là huyện Bái, Từ Châu ở tỉnh Giang Tô (Jiangsu - Trung Quốc). Khi còn trẻ, ông không thích nghề nông, và sống khá lêu lổng. Vì thế, ông không được cha yêu mến.
Khi gần 40 tuổi, Lưu Bang làm đình trưởng trong huyện. Một lần khi phải dẫn một nhóm tù tới Lịch Sơn tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi) hiện nay. Trong khi đi, nhiều kẻ bỏ trốn. Sợ rằng sẽ bị trừng phạt về việc đó, Lưu Bang thả nốt đám tù còn lại và cũng chạy trốn, trở thành lãnh đạo của một nhóm cướp. Trong một lần đi cướp, ông gặp Lữ Công. Lữ Công rất ngạc nhiên về tướng mạo Lưu Bang bèn gả con gái là Lữ Trĩ (呂雉) cho ông.
Khởi nghĩa chống Tần
Năm 209 TCN Trần Thắng lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa chống nhà Tần và lấy hiệu là "Trương Sở Vương". Bái vốn là đất đai thuộc nước Sở cũ. Khi ấy Lưu Bang đã thả đám tù trên đường đến Lịch Sơn và cũng bỏ trốn, Tiêu Hà cũng đang làm quan tại đất Bái. Khi nghe tin Trần Thắng nổi lên, các quan lại trong huyện quyết định gia nhập khởi nghĩa và theo lời khuyên của Tiêu Hà cùng Tào Tham (曹參) (cũng là một quan lại trong huyện), mọi người cử người em bạn rể của Lưu Bang là Phàn Khoái (樊噌) tới mời ông cùng nhóm của mình tham gia khởi nghĩa. Phàn Khoái mời được Lưu Bang nhưng trên đường về, vị huyện lệnh thay đổi ý định, đóng cổng thành chống lại họ, và vì sợ Tiêu Hà cùng Tào Tham sẽ mở cổng thành, viên huyện lệnh muốn giết họ. Hai người chạy trốn và theo Lưu Bang. Theo lời khuyên của Tiêu Hà, Lưu Bang bắn thư vào thành cho những bậc trưởng lão khuyên họ đầu hàng. Các vị trưởng lão giết viên huyện lệnh và mở cổng, Lưu Bang vào thành lấy danh hiệu Bái Công.
Nghe tin Hạng Lương khởi nghĩa đánh đến đất Tiết, thanh thế rất lớn, Lưu Bang đến xin theo, được Hạng Lương cấp thêm binh và từng có thời gian đi đánh phá các thành trì của nhà Tần cùng Hạng Vũ.
Sau khi Hạng Lương chết khi đánh trận, ông trở thành tướng của Sở Hoài Vương, người lãnh đạo trên danh nghĩa của các đội quân khởi nghĩa. Sở Hoài Vương phong Bái Công làm Vũ An Hầu. Cũng trong khoảng thời gian này, Bái Công gặp Trương Lương (張良), người trở thành quân sư của ông sau này.
Sở Hoài Vương giao cho Lỗ Công Hạng Vũ và Bái Công Lưu Bang chia hai đường đánh Tần, hứa rằng ai vào Quan Trung (đồng bằng miền trung Thiểm Tây, vùng đất then chốt của Tần) trước sẽ được làm vua nước Tần. Hạng Vũ có quân tướng mạnh hơn, nhưng mỗi khi chiếm thành, ông trừng phạt quân dân trong thành rất nặng nề. Các thành khác nghe vậy rất sợ hãi nên ra sức cố thủ, làm chậm bước tiến của Hạng Vũ. Trái lại, Lưu Bang chiếm được thành đều vỗ yên dân chúng, nhiều thành tự động ra hàng, nên ông tiến được vào Quan Trung trước.
Tháng 10 năm 206 TCN, vua cuối cùng nhà Tần, Tử Anh đầu hàng Lưu Bang, ông tiến vào kinh đô Hàm Dương nhà Tần. Tuy nhiên, khi ấy Hạng Vũ đến Hàm Dương, Lưu Bang phải trao lại Tử Anh cho Hạng Vũ. Hạng Vũ thậm chí còn định giết Lưu Bang trong một bữa tiệc, việc này nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc với tên gọi Hồng Môn hội yến (Ăn yến ở Hồng Môn), nhưng cuối cùng đã không quyết đoán thực hiện vì thái độ nhún nhường, tỏ ý khuất phục của ông trên bàn tiệc.
Hán Sở tranh hùng
Bài chi tiết: Hán Sở tranh hùng
Coi toàn bộ lãnh thổ Tần cũ đều thuộc quyền cai trị của mình, Hạng Vũ phân chia lại các vùng đất không chỉ của Tần mà của cả các nước chư hầu khác có tham gia vào cuộc khởi nghĩa thành 19 quận huyện. Hạng Vũ không thực hiện lời hứa của Sở Hoài Vương, và nhanh chóng ám sát ông. Thay vào đó Hạng Vũ chia Quan Trung thành Tam Tần. Lưu Bang chỉ được phong làm Hán Vương (Tứ Xuyên, Trùng Khánh, và phía nam Thiểm Tây hiện nay).
Tại Hán Trung, Lưu Bang tập trung nỗ lực vào việc phát triển nông nghiệp và huấn luyện binh sĩ, nhờ đó tăng cường sức mạnh quân sự. Lưu Bang tấn công Tam Tần, chiếm Quan Trung và bắt đầu cuộc chiến sau này sẽ được gọi là Hán Sở tranh hùng, chống lại Hạng Vũ.
Dù Hạng Vũ có khả năng quân sự vượt xa Lưu Bang, nhưng lại không có tài chính trị. Hạng Vũ liên tục đánh bại Lưu Bang trên chiến trường nhưng mỗi thắng lợi lại càng làm mọi người xa lánh ông để quay sang ủng hộ Lưu Bang. Khi cuối cùng Hạng Vũ bị đánh bại, ông không thể hồi phục và phải tự sát.
Cuộc chiến kéo dài năm năm (206–202 TCN) và chấm dứt với thắng lợi của Lưu Bang. Sau khi đánh bại Hạng Vũ, Lưu Bang lên ngôi hoàng đế và lập ra nhà Hán và đóng đô tại Trường An (tỉnh Tây An (Xi'an) hiện nay). Lưu Bang trở thánh Hoàng đế Cao Tổ nhà Hán.
Trên cương vị Hoàng đế
Sau khi lên ngôi hoàng đế, Lưu Bang tái tập trung quyền lực quốc gia theo kiểu hệ thống nhà Tần. Ông dần thay thế những tướng cũ, phong đất cho họ và gia đình. Bởi vì nền kinh tế đã bị tàn phá bởi chiến tranh sau sự sụp đổ nhà Tần, ông giảm thuế và giảm bắt dân đi phu, phát triển nông nghiệp, hạn chế chi tiêu. Tuy nhiên, vì đã chứng kiến điều mà ông cho là sự suy đồi của giới nhà buôn thời Tần, ông hạn chế thương mại bằng cách áp đặt thuế cao và luật hóa các quy định đối với nhà buôn. Ông cũng tìm kiếm hòa bình với Hung Nô. Ở thời Cao Tổ, tư tưởng Khổng giáo dần thay thế tư tưởng Pháp gia; các nhà nho Khổng giáo được trọng dụng trong triều, trong khi các luật pháp hà khắc của Pháp gia được nới lỏng. Các nỗ lực của Hán Cao Tổ đã thành lập nên một nền tảng vững chắc cho một triều đại kéo dài hơn bốn trăm năm, Hán Triều.
Lưu Bang cũng rất quan tâm tới việc hạn chế các vị vương. Ông nhanh chóng sáp nhập đa số các nước chư hầu và đưa các vị hoàng tử con mình và họ hàng lên làm vua các nước. Nhờ vậy, ông đã củng cố được đế chế Hán mới ra đời.
Lưu Bang đã nhiều lần dùng giải pháp quân sự chống lại Hung Nô nhưng đều thất bại nặng nề. Sau đó ông quyết định nhân nhượng Hung Nô bằng cách gả con gái các gia đình quý tộc cho Thiền vu, các thủ lĩnh của người Hung Nô. Chính sách này đã kéo dài liên tục trong 70 năm.
Truyền ngôi
Hán Huệ Đế, tức Thái tử Lưu Doanh, con trai cả của Lưu Bang với Lữ Hậu, là người thừa kế ngôi báu. Tuy nhiên, Lưu Bang không thích Lưu Doanh vì cho rằng ông quá yếu đuối. Con trai Thích phu nhân, người thiếp yêu của ông là Như Ý được ông định lập lên thay thái tử nhưng bất thành vì các quan trong triều vẫn trung thành với thái tử và Lữ Hậu. Ông bèn phong cho Như Ý làm Triệu vương.
Sự sủng ái của Lưu Bang dành cho Thích phu nhân và Như Ý khiến Lữ Hậu căm giận. Sau khi Huệ Đế lên nối ngôi, Lữ Hậu nắm hết quyền lực nằm trong tay mình, đầu độc giết Như Ý và tra tấn đến chết Thích phu nhân. Ngoài ra, 2 người con khác của Lưu Bang, cũng lần lượt được phong làm Triệu vương đều bị Lữ Hậu giết.
Đánh giá
Theo đánh giá của các nhà sử học, Lưu Bang hoàn toàn trái ngược với đối thủ, Hạng Vũ. Trong khi Hạng Vũ thường được thể hiện là một người lãng mạn và quý phái, Lưu Bang thường bị coi là thô lỗ. Hạng Vũ luôn tỏ ra nhân đức đối với các tướng và lính tráng. Tuy nhiên, ông lại là một nhà chính trị kém cỏi. Hàn Tín (韓信) miêu tả Hạng Vũ là "có lòng nhân của đàn bà," có nghĩa rằng, theo ý ông, sự "nhân đức" của Hạng Vũ chỉ là nhỏ mọn và không mang lại lợi ích cho chế độ cũng như nhân dân của ông.
Hạng Vũ cũng không biết cách sử dụng tài năng của các tướng; ví dụ, Hàn Tín từng là tướng dưới quyền Hạng Vũ, và sau này đã bỏ trốn theo Lưu Bang, trở thành đại tướng của họ Lưu, gây ra những tổn thất cực to lớn cho Hạng Vũ. Những vấn đề khác là cách đối xử tàn bạo của Hạng Vũ trong những chiến dịch quân sự, không chấp nhận phê bình và những lời khuyên khôn ngoan, cũng như không thể giao phó công việc cho người khác.
Trái lại, Lưu Bang là người dũng cảm và kiêu ngạo. Truyền thuyết cho rằng ông biết cách thao túng tướng lĩnh. Ông phong tước và cấp đất hậu hĩnh cho họ mỗi lần giành chiến thắng, vì thế ông được các tướng lĩnh quý mến. Tuy nhiên, khi đã trở thành hoàng đế, để đảm bảo tối đa quyền lực chính trị của mình, Lưu Bang đã đàn áp họ một cách tàn nhẫn, và hành quyết rất nhiều người để tránh mưu phản, đáng chú ý nhất là việc sát hại cận thần khai quốc Hàn Tín và Bành Việt. Kình Bố buộc phải làm phản vì sợ cũng sẽ bị giết. Những điểm mạnh của Lưu Bang là khả năng đưa ra quyết định dựa trên những lời khuyên khôn ngoan của những người khác, sự sáng suốt thiên bẩm giúp ông biết rõ lời khuyên nào là tốt và lời khuyên nào không nên nghe theo; khả năng ủy thác công việc; và khả năng biết cách làm những người khác theo mình.
Trong khi Lưu Bang có thể đã có chủ ý làm giảm uy tín Hạng Vương, ông đã chính xác khi nói về nguyên nhân chiến thắng trước Hạng Vũ:
Phàm việc tính toán trong màn trướng mà quyết định được sự thắng ở ngoài ngàn dặm thì ta không bằng Tử Phòng; trị nước nhà, vỗ yên trăm họ, vận tải lương thực không bao giờ đứt thì ta không bằng Tiêu Hà; Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng, tiến công là nhát định lấy thì ta không bằng Hàn Tín. Ba người này đều là những kẻ hào kiệt, ta biết dùng họ cho nên lấy đựơc thiên hạ. Hạng Vũ có một Phạm Tăng mà không biết dùng cho nên mới bị ta bắt.
Một vụ việc liên quan tới Kình Bố cho thấy ông giỏi lấy lòng cấp dưới. Ban đầu Kình Bố là tướng của Hạng Vũ, và để thưởng cho những chiến thắng quân sự của Kình Bố, Hạng Vũ phong ông làm Cửu Giang Vương. Tuy nhiên, Hạng Vũ rõ ràng đã không tin cậy vào Kình Bố và một lần khi Kình Bố đang ốm, không thể đem quân theo, Hạng Vũ đã phái người tới quở trách ông và xem ông có ốm thật không. Lo sợ điều đó nên khi Tùy Hà (隨何) được Lưu Bang phái tới thuyết phục Kình Bố thành lập liên minh, ông đã theo Lưu Bang chống lại Hạng Vũ. Khi Kình Bố tới, Lưu Bang đang cởi trần và sai con gái rửa chân, và ông đón tiếp Kình Bố với những lời lẽ ngạo mạn. Kình Bố thất vọng muốn tự sát. Tuy nhiên, một lần hộ tống Lưu Bang, Kình Bố thấy nhà cửa, đồ đạc, người hầu ở cung điện của Lưu Bang không khác gì nhà mình. Vì thế Kình Bố biết rằng những sự coi nhẹ ban đầu của Lưu Bang chính là lòng ưu đãi coi ông tương tự như những vị tướng khác, và ông đã trở thành một vị tướng quan trọng trong những chiến dịch quân sự của Lưu Bang chống lại Hạng Vũ.
Hạng Vũ nói chung được coi là một anh hùng thất thế, trong khi nhiều người coi Lưu Bang là thô lỗ. Tuy nhiên, Lưu Bang đối xử khoan dung với người dân hơn tầng lớp quý tộc trước đó. Ông đúng là một vị vua được lòng dân, và vì thế đã tạo lập được một trong những thời đại hoàng kim trong lịch sử Trung Quốc.
Thông tin cá nhân
* Cha: Lưu Chấp Gia (劉執嘉) (con trai thứ ba của)
* Mẹ: Vương Hàm Thuỷ (王含始)
* Vợ: Lữ hậu, mẹ Huệ Đế và công chúa Lỗ Nguyên
* Các thiếp khác:
o Tào phu nhân, mẹ Hoàng tử Phì - ban đầu là tình nhân Hán Cao Tổ
o Triệu phu nhân, mẹ Hoàng tử Trương
o Đặng phu nhân
o Ngụy phu nhân
o Thích phu nhân, mẹ Hoàng tử Như Ý
o Bạc phu nhân, mẹ Hán Văn Đế, ban đầu là vợ Nguỵ vương Báo.
* Con:
o Tề Vương Lưu Phì (phong năm 202 TCN, mất 195 TCN)
o Doanh (劉盈), Thái Tử, sau này là Hán Huệ Đế
o Triệu vương Như Ý (劉如意) (được lập làm Triệu Vương năm 198 TCN, bị Lữ Hậu giết năm 195 TCN)
o Đại Vương Lưu Hằng (劉恆 - được phong năm 196 TCN, sau này là Hán Văn Đế
o Lương Vương Lưu Khôi, (phong năm 196 TCN - được lập làm Triệu Vương năm 180 TCN, tự sát năm 179 TCN)
o Triệu Vương Lưu Hữu, ban đầu là Hoài Dương Vương (phong năm 196 TCN, được lập làm Triệu Vương năm 194 TCN, bị Lữ Hậu bỏ chết đói năm 180 TCN.
o Hoài Nam Vương Lưu Trương (sinh năm 198 TCN(?), phong năm 196 TCN, bị truất phế và lưu đày năm 174 TCN, có lẽ đã tự sát)
o Yên Vương Lưu Kiến (phong năm 211 TCN, chết 181 TCN)
o Công chúa Lỗ Nguyên (魯元公主)