Mỗi năm khi tết đến, trong lòng mỗi người dân Việt Nam đều nhớ tới Bác Hồ. Sự tỏa sáng, cuốn hút của Người không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn với cả bạn bè quốc tế. Chúng tôi xin trích đăng một đoạn hồi ký của nhà báo Thanh Bích nguyên là phóng viên cao cấp của Tân Hoa xã (Trung Quốc), từng là phóng viên mặt trận tại Việt Nam và Triều Tiên về tình cảm của đồng chí trong một lần được theo Bác Hồ đi chúc tết.
Ngày 15/12/1954, sau bữa ăn sáng tôi được đi theo Hồ Chủ tịch xuống sân bay Bạch Mai ở ngoại ô phía nam Hà Nội để thăm các đơn vị bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam và dân quân du kích đang luyện tập chuẩn bị tham gia duyệt binh tại Lễ chào đón Hồ Chủ tịch và Chính phủ trở về thủ đô vào ngày đầu năm sắp tới. Sau khi thăm, mặt trời đã lên quá đỉnh đầu, Hồ Chủ tịch vẫy tay chào hàng quân đang xếp hàng ngay ngắn thành từng khối vuông vức và Người nói to để mọi người nghe thấy: "Mặt trời rọi đúng đỉnh đầu rồi! Các chú đều mệt rồi, bụng cũng đói cả rồi, hãy nghỉ thôi!". Cả bãi tập đều vang dậy tiếng hoan hô và tiếng hô "muôn năm, muôn năm, muôn năm!". Hồ Chủ tịch liền nói ngay với Trung tướng Hoàng Văn Thái, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và đồng chí chỉ huy diễn tập đứng cạnh: "Đề nghị các chú sau này đừng hô như thế nữa!". Tiếp đến Người lại nói to trước hàng quân đang xếp hàng dài: "Được rồi, các chú hãy nghỉ về ăn trưa đi!".
Chúng tôi ăn trưa xong ở bên ngoài sân bay, Hồ Chủ tịch lại kéo chúng tôi quay vào sân bay để gặp gỡ một số đại biểu cán bộ và chiến sĩ tại nhà kho máy bay rộng lớn. Buổi nói chuyện kết thúc, mọi người rào rào đứng nghiêm, hình như ai cũng có cái gì đó đang dâng trào rất muốn cất cao giọng để hô thật to. Hồ Chủ tịch vội giơ tay lên theo thói quen, ráng sức ra hiệu yêu cầu mọi người ngồi xuống yên lặng. "Đừng hô muôn năm, muôn năm, muôn năm nữa!" - Người nói - "Không có ai có thể sống mãi muôn năm được đâu. Nào, các chú hãy cùng nhau hát một bài đi!". Người vừa nói vừa lướt nhìn một lượt các chiến sĩ. Một nữ du kích đứng ngay ở hàng đầu được Bác kéo ra khỏi hàng: "Nào, đề nghị cháu bắt nhịp cho mọi người...".
Những tiếng hát dõng dạc, hùng hồn và hiên ngang vang lên sôi động. Đó là bài: "Vì nhân dân quên mình" mà ở Việt Nam từ nhỏ cho đến lớn ai cũng biết hát.
Ngày 24/1/1955 là ngày đầu tiên của cái tết năm đó. Việt Nam cũng như Trung Quốc đều có tục ăn tết Âm lịch, Thanh minh, Đoan ngọ và Trung thu. Chập tối giao thừa hôm đó, tôi đang đọc sách ở trong phòng riêng thì anh Nguyễn Đại, phiên dịch người Việt Nam nhưng lại trưởng thành tại Hà Khẩu, một thành phố biên ải ở Vân Nam, Trung Quốc bước vào báo cho tôi biết là anh vừa nhận được điện thoại từ Phủ Chủ tịch thông báo cho biết: Sáng sớm mồng Một tết, Hồ Chủ tịch sẽ đi chúc tết công nhân, nông dân, bộ đội và thăm các công trường xây dựng nông thôn và doanh trại bộ đội ở một số tỉnh phía bắc Hà Nội. Hồ Chủ tịch cho hỏi tôi có muốn đi cùng không? Anh còn nói rõ với các đồng chí trong Phủ Chủ tịch là: Trong số đông phóng viên nước ngoài có mặt tại Hà Nội, Hồ Chủ tịch chỉ đề nghị, hỏi tôi có muốn đi không? Tôi liền trả lời ngay: "Tôi rất sung sướng được đi cùng, bởi lại một lần nữa Hồ Chủ tịch dành cho tôi dịp may rất tốt để rèn luyện".
4h sáng hôm sau, khi mọi người dân Hà Nội vẫn còn chìm đắm trong giấc ngủ ngon lành, xe Hồ Chủ tịch cùng mấy chiếc xe jeep của chúng tôi đồng hành vượt qua cây cầu sắt lớn bắc qua sông Hồng thẳng tiến lên hướng bắc theo một con lộ bốn bề vắng lặng. Chặng đầu tiên hôm nay đến là đập thác Huống, ở phía bắc Hà Nội khoảng trên 70 cây số. Đây là một trong những con đập nổi tiếng của vùng núi tỉnh Thái Nguyên nằm ở phía bắc châu thổ sông Hồng, đồng thời cũng là một trong mười mấy con đập bị máy bay Pháp oanh tạc phá hoại. Chân đập đứt gãy, từng khối bêtông vỡ nát và từng đống đá nằm ngổn ngang đây đó trong dòng nước đục ngầu. Nhiều đất đai ở vùng hạ lưu đều bỏ hoang. Có nơi đất rắn cứng như những tảng ximăng lớn. Những người không có gì hơn thế bỏ vào bụng, một thời họ chỉ có thể leo núi kiếm củ rừng về để ăn đỡ đói.
Khi chúng tôi đến đập thác Huống trời mới hửng sáng. Đứng lâu ngắm nhìn thân đập đứt gãy mà trong lòng không khỏi xót xa. Nhưng phía trước đập vừa mới nổi lên một đoạn đê chắn đầy một hồ nước. Đó là nhờ công sức của hàng nghìn công nhân, nông dân, dân quân, du kích và cán bộ chiến sĩ địa phương tranh thủ xây đắp trong một vài tháng ngắn ngủi sau khi đình chiến.
Thoáng tin Hồ Chủ tịch đến thăm đã lan nhanh khắp công trường. Chân bờ đập vốn là một nơi rất trống trải, nhưng bỗng chốc người từ đâu đổ đến ken chật hết cả chỗ, ai cũng rất muốn được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ, nhất là số phụ nữ nông thôn đầu đội khăn đen đứng vây quanh, ngó trước trông sau, bàn tán râm ran. Các chiến sĩ tiếp cận bảo vệ Hồ Chủ tịch đều đứng ở một chỗ xa xa, không hề ngăn số quần chúng kéo đến ngày một đông. Hình như dưới con mắt họ, Bác Hồ và quần chúng nhân dân vốn đã có mối quan hệ gắn bó keo sơn từ lâu rồi, nên chẳng phải lo lắng những chuyện bất ngờ có thể xảy ra.
Hồ Chủ tịch nói vài câu rất đơn giản - chúc mừng mọi người ăn tết vui vẻ, rồi lại cùng ông Trần Đăng Khoa, nhân sĩ ngoài Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính trèo lên đoạn đê chắn đập vừa mới đắp để quan sát con đập cao lớn bị tàn phá. Nghe nói, vụ xuân ở vùng hạ lưu đã được tưới nước kịp thời. Đợi con đập bêtông chính quy xây dựng xong thì toàn bộ diện tích được tưới nước ở vùng hạ lưu sẽ tăng từ 25.000ha lên 33.000ha. Hồ Chủ tịch nghe thấy thế rất vui. Người cứ đứng ngắm mãi cảnh mặt hồ trong xanh sóng nước rập rờn và miệng luôn tự hỏi: "Ai vĩ đại nhất? Nhân dân vĩ đại nhất! Không có nhân dân nỗ lực và hy sinh thì người có bản lĩnh đến mấy cũng không thể làm nên trò trống gì".
Chia tay dân công sửa đê, Bác Hồ lại đến thăm và chúc tết mấy gia đình nông dân ở gần đó. Sau đấy, mấy chiếc xe jeep cơ hồ đang quay đầu trở về Hà Nội. Mặt trời lúc này cũng đã ló ra khỏi đám mây mù và giờ cũng đã gần trưa rồi. Xe Hồ Chủ tịch đang đi đầu bỗng rẽ quặt ngay vào khu rừng thông lưa thưa, xơ xác bên đường. Người xuống xe rồi vẫy tay gọi mấy chiếc xe jeep ở phía sau: "Hãy nghỉ một lát, ăn cơm thôi!". Bộ trưởng Trần Đăng Khoa và chúng tôi đều được ngồi cùng ăn bữa dã ngoại với Người.
Trên bãi cỏ lốm đốm dưới gốc thông cao to, các đồng chí bảo vệ đã lấy chiếu ra trải rồi phủ lên một tấm khăn bàn đã cũ. Người cười nói: "Nào nào nào, mọi người đón tết đều muốn ăn ngon. Chúng ta hãy cùng nhau chọn lấy món ngon đi! Hà, hà, hà".
"Món ngon" là những thứ gì nhỉ? Đợi mọi người ngồi yên vị, các đồng chí bảo vệ mới lấy từ xe xuống 2 con chim câu quay đã xé sẵn, mấy miếng cá khô, một đĩa giò nhỏ, một ít rau sống, mấy miếng đậu phụ, rồi còn có ít cơm và bánh chưng đã cắt thành miếng, một chiếc ca men quân dụng xem ra đã lấy được từ tay bọn giặc Nhật có từ thời Thế chiến II đựng đầy canh rau và một chai rượu vang. Những thứ đó chính là món ngon dân gian đầu tiên sau ngày cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại vừa giành được thắng lợi không dễ dàng. Người còn hóm hỉnh nói: "Bữa này còn ngon hơn nhiều so với bữa ăn của Đường Bá Hổ đuổi thuyền đấy. Ông ta lần ấy chỉ để lái thuyền gọi suông thức ăn, còn bản thân ông chỉ có thể trợn to mắt mà nuốt cơm khô. Chúng ta ư, có rượu, có thức ăn còn có cả canh nữa”.
Trước kia, khi còn hoạt động cách mạng bí mật. Người đã từng lăn lộn nhiều năm ở đại lục Trung Quốc và Hồng Công, đã học biết được tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nga. Người nói tiếng Trung Quốc giống như người Quảng Đông nói tiếng phương Bắc, đồng thời còn biết làm thơ Đường bằng chữ Hán. Bài thơ "Vừa là đồng chí vừa là anh em" chính là được viết bằng chữ Hán. Sau một trận mọi người cười vang, Người nâng cốc trước tiên chúc mừng chúng tôi ăn tết vui vẻ. Chúng tôi cũng chúc Người mạnh khỏe sống lâu.
Sau khi cùng mọi người nhấm nháp chút rượu, Người nhẹ nhàng nhắc lại một lượt bốn chữ "mạnh khỏe sống lâu" và nói với tôi: Cách nói "mạnh khỏe sống lâu" này còn tương đối cầu thị. Người cảm động đón nhận những tình cảm tốt đẹp. Nhưng động một chút là hô ai đó "muôn năm" thì Người không tán đồng. Người nói: "Cái đó chẳng qua chỉ là nguyện vọng chủ quan là việc tuyệt đối không thể có được. Cứ xét ông Bành Tổ bên nước các đồng chí thì thấy, chẳng qua cũng chỉ sống được "800" tuổi. Huống hồ đấy vẫn chỉ là truyền thuyết cổ xưa. Còn có ai sống lâu hơn ông ta nữa đâu? Có đúng không?”.
Tôi nói: "Vâng, đúng thế ạ!". Nhưng mọi người thường hay hô "muôn năm" cũng chỉ là muốn thể hiện lòng chân thành của mình không thể thay thế bằng từ nào khác được mà thôi. Người nói: "Không, cái đó cũng phải cầu thị, không thể xúc động quá cuồng nhiệt được, có đúng không?".
Tiếp đến Người lại đưa ra một vấn đề tôi thật không ngờ tới. Người nói: "Mấy năm nay, hầu như các đồng chí Việt Nam được sang đất nước các đồng chí trở về đều nói, các đồng chí chiêu đãi khách quý nước ngoài tiệc tùng rất thịnh soạn, toàn là những thứ đắt tiền như hải sâm, vây cá, tôm hùm, bào ngư. Cho dù khách và chủ sớm ăn ứ đến cả cổ rồi, thế mà khay to bát to vẫn tiếp tục được bưng ra, có một số cơ hồ lại để nguyên không đụng đến rồi lại mang xuống. Thế có phải là rất lãng phí không?".
Tôi nhất thời không nói gì được, vì lúc đó tôi vẫn không biết như thế có xem là lãng phí hay không? Nay đối mặt với một vấn đề do Hồ Chủ tịch đưa ra hết sức bất ngờ này, nằm ngoài ý nghĩ của tôi. Trầm tĩnh một lát tôi mới thưa: "Lễ nghi ngoại giao, vui lòng khách đến mà!".
"Ồ, không thể nói thế được!" - Người vuốt nhẹ chòm râu rồi lại lắc đầu không đồng ý, Người phê bình một cách ý nhị là: "Đó là tiền của Nhà nước đấy! Nếu hoàn toàn do cá nhân bỏ tiền túi ra thì sẽ như thế nào nhỉ?". Đúng đấy, "Nếu hoàn toàn do cá nhân bỏ tiền túi ra thì cái đó sẽ như thế nào nhỉ?" - Lúc này tôi đã hiểu ra mấu chốt của vấn đề, ở chỗ những thứ chúng ta gọi là "lễ nghi ngoại giao"... chẳng qua chỉ là tấm màn che đậy việc vung tiền của Nhà nước và của nhân dân quá phung phí mà thôi.
Sau một giờ đồng hồ, đoàn xe đã rẽ vào Phủ Lạng Thương, tỉnh lị của Bắc Giang nằm ở phía đông bắc Hà Nội khoảng 50 cây số. Tại đó, Người lại chúc tết các công nhân đường sắt hai nước Trung - Việt đang cùng nhau tranh thủ sửa đường sắt và cầu cống. Lời chúc mừng của Người không đầy 300 chữ, nhưng lại được vỗ tay tới 16 lần. Khi rời Phủ Lạng Thương trời đã mờ tối, Người lại đến một doanh trại quân đội, nói chuyện hơn một giờ đồng hồ với các chiến sĩ đã tập trung đông đủ, Người gửi đến họ lời chúc mừng ngày tết và khích lệ động viên họ tiến lên...
Khi chúng tôi về tới Hà Nội, từng con phố, từng ngõ ngách lại yên ắng như lúc chúng tôi đi vào rạng sáng. Đại thể mọi người dân đã đắm chìm vào giấc mơ ngọt ngào rồi. Chuyến "du xuân" của Hồ Chủ tịch lần này đã kết thúc sau một thời gian dài 21 giờ đồng hồ.
Trong một năm ở Việt Nam, đây là lần đầu tôi được ở bên Người với thời gian lâu nhất và cũng được nói chuyện nhiều nhất. Qua những điều quan sát tỉ mỉ lần này cùng những điều mắt thấy tai nghe trong những lần được đi theo Người trước đó. Tôi cảm nhận sâu sắc rằng, Người là một nhà cách mạng vĩ đại, hiến dâng cả cuộc đời mình cho đất nước và nhân dân mình một cách vô tư trong sáng. Tinh thần nhân đạo chân thành và tình nghĩa ở Người có một sức cuốn hút lớn lao đối với nhân dân.
Năm đó tôi mới chỉ 26, 27 tuổi. Tháng 2/2008, tôi đã tròn 80 tuổi. Hơn 50 năm qua, tôi vẫn tưởng nhớ, kính trọng và suốt đời không quên Người
Thanh Bích (tạp chí "Viêm hoàng Xuân Thu" số 4/2008