Người dân thành phố Sài Gòn đã nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết Mậu Thân, nhưng bà Ba bán hàng rong trú thuê ở cầu thang của căn nhà tồi tàn trong hẻm đường Sư Vạn Hạnh, vẫn ngày ngày rong ruổi trên khắp các vỉa hè. Cô con gái Ba Hương và cậu con trai Tư Thắng đều còn bé, bà gửi nhờ người chăm sóc và cho đi học, dịp hè mới được về thăm má... Một hôm người ta thấy bà ăn mặc tuềnh toàng như mọi bữa, đến tìm gặp cậu Bảy, một thanh niên còn trẻ là “bạn” của trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, “cố vấn” Ngô Đình Nhu...
Bà con xung quanh chẳng ai biết bà Ba quê dưới xã Hậu Thanh-Đức Hòa-Long An. Còn nhỏ, bà đã theo người anh ruột là cán bộ hoạt động bí mật, làm giao thông liên lạc của Xứ ủy Nam Bộ. Bà được kết nạp vào Đảng từ năm 1936, trực tiếp tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11-1940 và liên tục làm giao thông của cơ quan Xứ ủy cho đến ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược, Nam Bộ bước vào kháng chiến, bà Ba lại là nhân viên tài chính của cơ quan Xứ ủy, phụ trách công tác phụ vận ở Long An... Ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, bà Ba thuộc diện cùng chồng là một cán bộ cách mạng được tập kết ra Bắc, nhưng vì hai con còn nhỏ nên bà xin ở lại. Tổ chức giao cho bà nhiệm vụ mới: “... Đồng chí là người có nhiều kinh nghiệm hoạt động bí mật. Tổ chức muốn đồng chí bằng cách nào đó trở thành người dân ở trong thành phố Sài Gòn để tiếp tục hoạt động phục vụ cách mạng lâu dài...”.
Sau ngày tiễn chồng đi tập kết, bà Ba đưa hai con nhỏ về quê nhờ chị dâu chăm sóc, rồi “biệt tăm” lên Sài Gòn... Ông Mười Hương (Trần Quốc Hương), người phụ trách lưới tình báo chiến lược GH của cách mạng, gặp gỡ rồi thu xếp chuyển bà về cơ quan cùng công tác với bà Bảy Huệ (vợ cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh). Sau một thời gian, tổ chức tin tưởng giao công tác đặc biệt cho bà quay trở vào nội đô làm giao liên bí mật đơn tuyến... Để sống, hoạt động bí mật giữa Sài Gòn, bà tìm thuê được chỗ ở chật hẹp nơi góc cầu thang này, hằng ngày quảy gánh hàng đi bán rong để vừa tự nuôi sống, vừa làm “vỏ bọc” cho công tác giao thông liên lạc đơn tuyến của Xứ ủy tuyến Sài Gòn-Cà Mau qua 5 tỉnh Tây Nam bộ.
Khi cậu Bảy, một cán bộ tình báo cách mạng đã nằm trong “thâm cung” của “quốc gia”, được trùm mật vụ Trần Kim Tuyến và “cố vấn” Ngô Đình Nhu rất tin cẩn, rồi cả CIA bí mật tuyển dụng... nên ngày càng thu thập được nhiều thông tin, tài liệu tuyệt mật của Mỹ-ngụy, phải chuyển nhanh ra ngoài, đang rất cần một đường dây liên lạc đơn tuyến trực tiếp tin cẩn. Ông Mười Hương nhắm chọn ngay bà Ba, nên năm 1961, tuy đã ngoài 40 tuổi, bà Ba mới chính thức “nhập ngũ”...
Để giữ bí mật, cô con gái Ba Hương được bà gửi lên chiến khu, cậu con trai Tư Thắng thì gửi ông Hai Thọ một thời gian, sau cũng đưa đi xa cách hẳn. Tài liệu tuyệt mật cậu Bảy lấy được ngày càng nhiều, được trực tiếp giao cho bà, có khi chỉ là tờ báo cũ cậu Bảy vứt ra bà nhặt về để gói hàng; có khi chỉ là cái vỏ bao thuốc lá đắt tiền cậu quẳng bên vỉa hè... đến tay bà là được chuyển đi rất kịp thời. Nhà họ Ngô đổ, qua chính quyền Nguyễn Khánh, rồi Thiệu-Kỳ, bà Ba vẫn làm nghề bán hàng rong. Tết Mậu Thân đến gần, địch lo sợ Quân giải phóng tấn công nên bịt hết mọi ngả đường ra-vào Sài Gòn, nhưng bà bán hàng rong thông thuộc mọi ngõ ngách đường phố và nắm chắc mọi quy luật hoạt động của địch... nên vẫn tìm được lối vòng tránh, biết chọn đúng lúc, đúng nơi chúng sơ hở, chuyến đi nào cũng lọt, bảo đảm thông tin kịp thời. Tết năm 1973, địch quyết liệt chống phá việc thi hành Hiệp định Pa-ri, tăng cường cảnh sát, bọn chiêu hồi, quân cảnh đánh phá các cơ sở của ta trong thành phố, bà Ba vẫn giữ vững thế hợp pháp công khai, khó khăn đến đâu cũng giữ vững được đường dây liên lạc tuyệt mật, thực hiện những chuyến đi ra-vào giữa hang ổ kẻ thù thông suốt, an toàn...
Đón xuân miền Nam được giải phóng, bà Ba-Nguyễn Thị Ba mái đầu đã bạc mới được gặp lại người chồng đi tập kết trở về sau hai chục năm dài xa cách. Năm 1976 bà Ba tuổi gần 60, là một trong 4 phụ nữ đầu tiên của ngành quân báo được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Cậu Bảy cấp trên của bà, cũng được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Bà Ba bán hàng rong đón Tết trên đường phố Sài Gòn năm xưa, nghỉ hưu về sống với cậu con trai Tư Thắng ngày nào đã trưởng thành là Tỉnh ủy viên trên quê hương thân yêu Long An...
TIẾN MINH
* Theo tư liệu của Tổng cục II
Các chủ đề khác cùng chuyên mục này: