Ghi chú đến thành viên
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 20-04-2008, 04:18 AM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Gặp người hai lần đánh sân bay

Kỷ niệm 53 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2007)
Gặp người hai lần đánh sân bay
7:30, 16/10/2007

--------------------------------------------------------------------------------


Nhân dân Hà Nội chào đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô.

Lưu để đọc sau
Email bài này
In trang này
In bài này
Ý kiến của bạn
Liên hệ đăng lại bài
10 bài được đọc nhiều nhất


Hai trận đánh sân bay Bạch Mai (18/1/1950) và Gia Lâm (4/3/1954) của lực lượng vũ trang Thủ đô đã được ghi vào trang sử vàng của Hà Nội anh hùng.


Trong nắng thu vàng thơm hương vườn dìu dịu ẩn sâu trong con ngõ nhỏ thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên, ông Đặng Văn Nguyên, nguyên là Tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 108 đánh sân bay Bạch Mai, sau đó làm tổ trưởng tổ mũi nhọn đánh sân bay Gia Lâm say sưa kể lại bao đận gian nan để lọt vào đánh, đạt hiệu quả cao. Đôi mắt sáng, đôi tai tựa tai Phật, trông ông thông minh, hoạt bát rất nhiều so với tuổi 80.

Quê hương ở Đông Khúc, Tổng Xuân Cầu, nay là xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, cậu bé Đặng Văn Nguyên mồ côi từ khi 4 tuổi, sau đó được đưa ra Hà Nội và tuổi thơ Nguyên trôi theo những năm tháng đi ở ẵm em, đội than trong Nhà máy điện Yên Phụ. Vẫn không đủ ăn, Nguyên lại đi bán kem, đánh giày khắp các ngõ phố của Hà thành hoa lệ.

Không có trang vở thơm mùi giấy mới, không có kỷ niệm tuổi học trò, Nguyên kiếm sống nhọc nhằn, và vì thế, anh đến với cách mạng như một lẽ tất nhiên để thoát kiếp sống nô lệ đòn roi, được cơm no áo ấm, được sống trong tình đồng đội ấm áp như anh em ruột thịt.

Tiểu đội của Nguyên có đủ các gương mặt học sinh công tử bột, đàn hát rất giỏi, thanh niên làm đủ các nghề ở các khu phố, do anh Thụy Ứng làm Tiểu đội trưởng (sau này, Thụy Ứng là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học Nga, trong đó có “Sông Đông êm đềm” của Sôlôkhốp).

Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), trấn giữ khu vực chợ Đồng Xuân, các chiến sĩ tiểu đội dựa vào địa hình địa vật có lợi thế như chùa Huyền Thiên để đánh địch. Những trận chiến đấu quyết liệt đã diễn ra ở Hàng Khoai, Hàng Giấy, chùa Huyền Thiên, trường Hàng Cót.

Ngày 27/12/1946, địch chiếm được nhà Hoa Nam (49-51 Hàng Giấy). Từ trên nóc nhà 3 tầng Hoa Nam và nhà 12 Hàng Cót, chúng thường xả súng vào trận địa của tiểu đội. Làm thế nào để tiêu diệt địch, chiếm lĩnh nhà cao tầng?

Thông minh, nhanh nhẹn, Nguyên được giao nhiệm vụ xung kích đánh vị trí 12 Hàng Cót. Anh nảy ra sáng kiến bôi crêp ngâm xăng vào tường nhà, rồi buộc diêm vào que hương để đốt. Kỷ niệm trận thắng này là chiếc khăn mặt bông in dấu của Ủy ban kháng chiến Liên khu I.

Sau một tháng bám trụ chiến đấu ở phía bắc liên khu, Đặng Văn Nguyên cùng nhiều đồng đội ra hậu phương theo đường công khai ngày 15/1/1947, theo thỏa thuận giữa ta và Pháp. Ông cùng đồng đội qua những miền quê, những mặt trận của Liên khu III, xuống cả Nam Định hoạt động rồi lại trở về Hà Nội thân yêu để chiến đấu.

Ấy là năm 1949, khi Hà Nội thực hiện chỉ thị của Trung ương chuẩn bị chiến trường, tiến tới tổng phản công. Lực lượng vũ trang ở căn cứ gấp rút được củng cố, phát triển thành Tiểu đoàn 108.

Sau khi nhận được tin tức và sơ đồ cống ngầm do đồng chí Hải "cóc" (tức Chu Duy Kính) cung cấp, Chỉ huy trưởng mặt trận Phùng Thế Tài quyết định chọn lựa những chiến sĩ gan dạ, quả cảm, mưu trí để tập dượt đánh mục tiêu quân sự quan trọng trong nội thành - sân bay Bạch Mai.

Hôm nay, tôi mới được nghe kỹ hơn những chi tiết trong quá trình luyện tập, lên sa bàn ở nơi huấn luyện và cuộc hành quân bí mật từ Sà Kiều (Hà Tây) vào Lủ qua hồi ức của người lính già:

“Ở ngoài bãi luyện tập ở Mỹ Đức, chúng tôi không hình dung được máy bay cao chừng nào, cứ kiệu nhau lên mà tập gài mìn, khi vào rồi mới thấy cái Đakôta và Spitphai thấp tè. Mìn đánh máy bay là loại mìn chai, anh Chính mua vỏ chai sâm banh về nhồi thuốc nổ.

Chiều 17/1/1950, bắt đầu hành quân. Chúng tôi đánh bộ quần áo nâu, khoác bị đựng mìn và lựu đạn... mọi thứ đều rất thô sơ. Nhờ du kích địa phương dẫn đường, chúng tôi chia làm 3 mũi tập kết gần sân bay và đột kích theo 3 hướng khác nhau.

Mũi 1 có 18 chiến sĩ và 1 du kích xã do anh Hà Giáp chỉ huy chui đường cống ngầm lên. Mũi 2 có 8 chiến sĩ và 2 du kích do anh Trần Thành chỉ huy, theo bờ đầm vào sân bay. Mũi 3 có 6 chiến sĩ và xã đội phó du kích do Trung đội trưởng Tráng chỉ huy, theo hướng bắc có nhiệm vụ đốt kho xăng.

Cũng rất may là đêm đó, sương mù dày đặc nên chúng tôi trèo lên máy bay gài mìn mà đèn pha của địch không phát hiện được. Kết quả, 25 máy bay quân sự bị phá hủy, hàng vạn lít xăng bốc cháy và một số sĩ quan, binh lính Pháp bị chết và bị thương.

Về phía chúng tôi có anh Khang “cà phê” khi trèo lên đặt mìn bị ngã trẹo chân rồi lạc đường không ra được, đã hy sinh. Ngay đêm đó chúng tôi cấp tốc hành quân về chợ Cháy. Trên đường rút ra, bà con đã chuẩn bị sẵn xôi, cơm nắm cho chúng tôi.

Sau chiến thắng, toàn đội được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Anh Ngô Duy Biên rất phấn khởi sáng tác luôn bài hát “Trường bay bốc cháy” được anh em cả mặt trận Hà Nội hát say sưa khi sinh hoạt văn hóa văn nghệ".

Sau trận này địch càn trắng cả 3 làng Tam Kim, nhiều du kích và cơ sở kháng chiến hy sinh, bị bắt vào nhà Tiền, bốt Hàng Vôi. Còn cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 108 phân tán đi các địa phương để bảo tồn lực lượng trước sức phản công dữ dội của Pháp ở Hà Nội và cả đồng bằng Bắc Bộ.

Riêng ông Nguyên làm quân báo, trở vào nội thành, đóng vai người bán kem, đánh giày để đưa đường cho cán bộ từ nội thành ra đến Nhị Khê - Đồng Quan - Vân Đình an toàn rồi quay vào. Như con thoi ra vào nhờ cái mác sống công khai trong nội thành, ông lọt qua những cặp mắt cú vọ của bọn địch, tiếp tục hoạt động cho đến giữa năm 1953 rồi nhận nhiệm vụ mới.
Hè năm 1953, chiến cuộc đã dần thay đổi, vùng du kích của Bắc Ninh, Hưng Yên, những tỉnh giáp với Hà Nội đã mở rộng hơn trước. Nhằm phối hợp với chiến trường toàn quốc, Đảng bộ Hà Nội chủ trương đưa lực lượng vũ trang về sát thành phố, chuẩn bị đánh sân bay Gia Lâm, cầu hàng không quan trọng của Pháp tiếp tế cho các chiến trường.

Nhận lệnh của Mặt trận Hà Nội, một tổ tiền trạm gồm 5 người (Thanh, Lân, Tại, Nguyên) do ông Lê Ninh (tức Ninh "xồm") làm tổ trưởng đi vào trước. Từ căn cứ ở Thạch Thành (Thanh Hóa), các ông xuyên rừng, cắt đường, sang Tỉnh đội Hưng Yên đang đóng ở Ân Thi, đặt vấn đề nhờ Tỉnh đội cho giao liên dẫn lên Bát Tràng. Riêng tổ quân báo vẫn bám trụ ở Thạch Cầu, Ái Mộ, Trạm, Nha để điều tra đường vào, hiện trạng sân bay, các loại máy bay, từ đó đề ra cách đánh có hiệu quả.

Nhớ lại ngày tháng ba cùng với dân địa phương, ông Nguyên cười rất vui: “Tôi bị anh em đặt biệt hiệu Nguyên "toét" và gán ghép với cô du kích làm công tác địch vận huyện Gia Lâm, lại còn đặt thành vè, chính là từ việc đi trinh sát địa hình, hoặc tránh những lần địch đi kiểm tra dân trong làng nên tôi phải bôi nhọ nhem mặt mũi cho chúng không nhận ra được. Hồ Lâm Du ở sát sân bay, tôi phải bơi rất nhiều lần để tìm cách vào sân bay an toàn. Điều tra thật kỹ rồi mới lên sa bàn để anh em chọn lựa từ Đại đội 8 đánh sân bay luyện tập ở Từ Hồ và Đông Cảo (huyện Khoái Châu)".

Sau 9 tháng luyện tập, 16 chiến sĩ và 3 du kích địa phương do ông Vũ Văn Sự, cán bộ Đại đội 8 chỉ huy lên đường vào rạng sáng mồng 4/3/1954 và tập kết ở làng Thạch Cầu. Ở đây đã có sẵn hầm bí mật chữ A cho các chiến sĩ nghỉ ngơi, cải trang và uống nước mắm để bơi qua hồ Lâm Du.

16 chiến sĩ và 3 du kích chia làm 3 tổ mũi nhọn tiến vào vị trí chiến đấu. Họ bơi qua hồ Lâm Du lạnh buốt để tiếp cận sân bay, cắt hàng rào. Dẫn đầu một tổ mũi nhọn, ông Nguyên vẫn nhớ phải dùng kìm cộng lực cắt rào sao cho đèn pha của địch không phát hiện được.

Hàng rào của sân bay Gia Lâm hiện đại hơn sân bay Bạch Mai nhiều. Nó treo mìn trên hàng rào, mình chạm vào là sáng lên ngay. Tôi và anh Chiến tháo kíp để mìn không phát sáng nữa, sau đó cắt hàng rào theo hình chữ chi cho anh em chui vào. Mìn đánh đợt này là 2 bánh thuốc nổ TNT ép làm một để tạo sức công phá lớn.

Theo hiệu lệnh, chúng tôi nhanh chóng tiến đến các mục tiêu đã định, đặt mìn. Trên đường rút ra khỏi sân bay, đã nghe tiếng mìn, tiếng thủ pháo nổ vang, máy bay bốc cháy sáng rực bầu trời. Anh Ty hy sinh ngay tại trận đánh, nhưng 18 máy bay các loại và kho xăng đã bị đốt cháy, 16 tên địch bị tiêu diệt, góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước trên các chiến trường phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông giở cái túi to, trong đó là ảnh các chiến sĩ chụp ngay sau trận thắng và bảo: “Tôi phóng ảnh lớn thế này, tặng cho anh em. Ai đã mất thì con cháu sẽ giữ làm kỷ niệm, tự hào về cha ông mình. Huân, huy chương tôi được Mặt trận Hà Nội và Nhà nước tặng nhiều lắm, tôi cũng giữ cho con cháu. 30 năm nay, tôi nghỉ hưu làm ông lang vườn cứu chữa bệnh cho bà con, ấy là cái đức cái tình cháu ạ. Ông Hà Giáp, Vũ Văn Sự và nhiều đồng đội của tôi đã thành người thiên cổ. Tôi được trời cho, còn mạnh khỏe thì còn chữa bệnh cho bà con, cứu giúp mọi người”.

Từ một chiến sĩ quân báo của Mặt trận Hà Nội trở thành cán bộ của Mặt trận và sau này là cán bộ của Thành đội Hà Nội, trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến, người đảng viên 50 tuổi Đảng sống thanh bạch với mảnh vườn nhà.

Nhìn những cây thuốc nam trong vườn ông chăm bón, tôi cảm nhận dòng chảy không ngừng của cuộc sống tiềm ẩn trong mỗi cuộc đời thật giản dị và lặng lẽ như con ong làm mật ngọt cho đời

Kim Thanh



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
san bay gia lam

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™