Vào tháng 12/1968, Cơ quan Tình báo hải ngoại Israel (Mossad) đã tổ chức một vụ đánh cướp 200 tấn uranium, nguyên liệu chính để chế tạo vũ khí hạt nhân, được vận chuyển trên một tàu biển mang cờ hiệu Liberia trên vùng biển Địa Trung Hải. Ủy ban Hạt nhân châu Âu (Euratom) và nhiều quốc gia Tây Âu tuy đã nỗ lực điều tra vụ việc nhưng vẫn không có kết quả.
Vụ đánh cướp chỉ được làm sáng tỏ vào năm 1988 bởi tiết lộ của một thuyền viên của chiếc tàu bị cướp tại Hội nghị bài trừ vũ khí hạt nhân tổ chức tại thành phố Salzburg của Áo.
Tháng 3/1968, do lo ngại Liên Xô sẽ giúp các quốc gia Arập phát triển vũ khí hạt nhân sau khi xảy ra cuộc chiến tranh giữa Israel và các quốc gia Arập vào tháng 6/1967, Pháp quyết định ngừng cung cấp uranium, nguyên liệu dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân cho Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Negev của Israel. Quyết định này đã làm choáng váng các nhà lãnh đạo Israel, bởi vì vào thời điểm đó Israel đang cần một lượng lớn uranium để hoàn thiện quy trình sản xuất quả bom hạt nhân đầu tiên của mình, dự kiến sẽ được cho nổ thử nghiệm chậm lắm là vào năm 1973. Vì vậy, tại một cuộc họp quan trọng tổ chức tại thành phố Tel-Aviv vào tháng 4/1968 với sự có mặt của Thủ tướng Golda Meir, Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Dayan và tướng Zvi Zamir, chỉ huy Mossad, đã đi đến quyết định Israel phải sở hữu cho bằng được từ 200 đến 300 tấn uranium và nhiệm vụ truy tìm nguồn uranium được giao cho Mossad.
Từ giữa tháng 6/1968, Mossad triển khai điệp vụ Plumbat tung các điệp viên đến các quốc gia khai thác và sở hữu uranium dưới lốt nhiều doanh nhân, công ty, nhà khoa học để cố gắng tìm ra một khe hở nào đó có thể giúp Mossad tiếp cận với nguồn uranium. Mãi đến tháng 8/1968, các điệp viên Mossad mới nắm bắt được thông tin về việc một công ty hóa chất của Tây Đức có tên gọi Asmara đang thực hiện hợp đồng cung ứng uranium cho công ty hóa chất Saica có nhà máy đặt tại thành phố Gênes của Italia.
Lấy danh nghĩa đại diện Công ty Hóa chất Chimagar của Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua một lượng lớn hóa chất của Công ty Asmara, các điệp viên Mossad đã tiếp cận được với Herbert Schulzen, Giám đốc Công ty Asmara. Từ những quan hệ này mà Mossad biết rằng Công ty Asmara thường mua uranium của Công ty khai khoáng SGM của Bỉ để cung cấp cho Công ty Saica. Những thương vụ này được thực hiện bằng tàu biển vận chuyển hàng từ cảng Antwerp của Bỉ đến cảng Gênes của Italia với số lượng vận chuyển mỗi lần từ 200 đến 300 tấn. Những thông tin quan trọng này liền được báo cáo cho Tel-Aviv.
Thời cơ đến với Mossad là vào tháng 11/1968, khi các điệp viên Mossad nắm bắt được thông tin về một vụ chuyển giao uranium của Công ty Asmara cho Công ty Saica vào trung tuần tháng 11 bằng tàu biển. Lập tức chỉ huy Mossad, tướng Zvi Zamir, quyết định cho triển khai phần quan trọng của điệp vụ Plumbat là tổ chức đánh cướp tàu vận chuyển uranium ngay giữa biển.
Một số điệp viên Mossad nằm vùng tại Pháp, Hà Lan và Đức được điều động đến Bỉ để tham gia vào phần hai của điệp vụ Plumbat. Đến ngày 15/11, chiếc tàu hàng Scheersberg A mang cờ hiệu Liberia có trọng lượng 1.790 tấn cập cảng Antwerp để làm nhiệm vụ bốc và vận chuyển 200 tấn uranium mà Công ty Asmara mua của Công ty SGM để chuyển giao cho Công ty Saica. Các điệp viên Mossad trong vai công nhân bốc vác, điều khiển cần cẩu, đốc công tìm mọi cách để tiếp cận với các thuyền viên của tàu Scheersberg A chỉ với mục đích tối quan trọng là nắm bắt được kế hoạch hành trình của tàu. Cuối cùng họ cũng có cái mà họ muốn. Thông tin này liền được báo ngay cho Tel-Aviv.
Tối ngày 17/11/1968, tàu Scheersberg A chở 200 tấn uranium xuất phát từ cảng Antwerp xuôi xuống vùng biển phía nam châu Âu, ngang qua eo biển Manche rồi vượt qua eo biển Gibraltar tiến vào vùng biển Địa Trung Hải. Chiếc tàu tiếp tục hành trình lên phía bắc để giao hàng tại cảng Gênes. Tuy nhiên, vào chiều tối ngày 2/12, khi đang hải hành giữa vùng biển Tunisie và đảo Sicile của Italia, chiếc Scheersberg A đã bị 3 chiếc tàu lạ mang cờ hiệu đảo Malte chặn lại. Hai trong 3 chiếc tàu liền áp vào mạn của chiếc Scheersberg A để những người lạ mặt có trang bị vũ khí đổ bộ lên chiếc Scheersberg A, khống chế toàn bộ thủy thủ đoàn, sau đó đem nhốt tất cả vào hầm tàu.
Kế đó, 1 trong 2 chiếc tàu áp mạn lùi ra xa để chiếc thứ ba áp mạn chiếc Scheersberg và tiến hành công tác bốc dỡ 200 tấn uranium từ chiếc Scheersberg A qua tàu lạ. Xong việc cả 4 chiếc tàu quay đầu di chuyển về phía tây. Tối ngày 3/12, 3 chiếc tàu lạ cập cảng Haifa của Israel và số uranium đánh cướp được vận chuyển ngay đến Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Negev.
Ngày 5/12 không thấy chiếc Scheersberg A cập cảng Gênes để giao hàng nên Công ty Saica liền thông báo cho Công ty Asmara. Vụ biến mất của chiếc tàu Scheersberg A cùng 200 tấn uranium liền được báo cáo cho Euratom. Một cuộc tìm kiếm có sự tham gia của hải quân nhiều nước Tây Âu liền được triển khai nhưng không mang lại kết quả. Đến ngày 18/12, ngư dân phát hiện một chiếc tàu lạ mắc cạn tại vùng biển của thành phố Iskendun của Thổ Nhĩ Kỳ và liền thông báo cho cảnh sát biên phòng.
Điều tra sau đó cho biết đó là chiếc tàu hàng Scheersberg A đang bị truy tìm nhưng không thấy bóng dáng của bất cứ thủy thủ đoàn nào. Chiếc tàu sau đó được đưa về thành phố Palerme của Italia rồi từ đó về lại cảng Antwerp. Vụ biến mất của 200 tấn uranium cùng thủy thủ đoàn của chiếc tàu Scheersberg A liền trở thành đề tài khai thác và bình luận của các phương tiện thông tin. Trong khi đó, đến tháng 8/1973, Israel đã tiến hành thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên của mình tại sa mạc Negev.
Tháng 4/1988, 20 năm sau khi xảy ra vụ biến mất của 200 tấn uranium vào tháng 12/1988, một nhà hoạt động xã hội bỗng xuất hiện tại Hội nghị Bài trừ vũ khí hạt nhân tổ chức tại thành phố Salzburg của Áo và tiết lộ chính tình báo Israel đã tổ chức đánh cướp 200 tấn uranium được vận chuyển trên tàu Scheersberg A, đó là Paul Leventhal, một thuyền viên của chiếc Scheersberg A.
Theo tiết lộ của Leventhal thì toàn bộ 14 thủy thủ đoàn của chiếc Scheersberg A không bị bắt giữ mà được đưa về thành phố Duisburg, nơi có trụ sở của Công ty Hóa chất Asmara. Tất cả họ đều được khuyên là nên giữ im lặng về vụ cướp nếu không muốn bị giết hại bởi một thế lực rất mạnh. Công ty Asmara đã chi cho mỗi thuyền viên một số tiền lớn và buộc họ ký giấy cam đoan là không tiết lộ với bất kỳ ai về vụ việc. Tuy nhiên, Leventhal sau đó đã tham gia tích cực vào phong trào bài trừ vũ khí hạt nhân và đến khi diễn ra Hội nghị Bài trừ vũ khí hạt nhân tổ chức tại Áo đã can đảm đứng ra tố cáo trước dư luận vụ đánh cướp 200 tấn uranium của tình báo Israel vào tháng 12/1968
Văn Hòa (theo Historia)