Giới thiệu:
Cuối năm 1953, Pháp sa lầy vào trên chiến trường Đông Dương. Để tìm giải pháp đàm phán ưu thế, Henri Navarre được bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Ngày 20/11/1953, Pháp bắt đầu nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, và xây dựng nơi đây thành pháo đài bất khả xâm phạm.
Lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ tinh nhuệ và được trang bị vũ khí tối tân với hệ thống phòng ngự liên hoàn. Có 2 sân bay là Mường Thanh và Hồng Cúm.
Tại Điện Biên Phủ, Pháp còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Mỹ về hậu cần và vũ khí.
Có 16.000 quân Pháp tại đây, được bố trí ở 3 phân khu. Phân khu Bắc gồm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Phân khu trung tâm gồm các cao điểm phía Đông, sân bay Mường Thanh, và các cứ điểm phía tây Mường Thanh. Phân khu Nam gồm cụm cứ điểm và sân bay Hồng Cúm.
Với quân đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản vững chắc, quân lương đầy đủ, người Pháp cho rằng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thực sự là "pháo đài khổng lồ không thể công phá". Pháp tin Việt Minh với cách đánh truyền thống, khó khăn vũ khí và nhất là hậu cần sẽ dễ dàng sa lưới. Vì thế, ngay từ đầu năm 1954, Pháp cho máy bay rải tuyền đơn thách thức Việt Minh tấn công.
Trước đó không lâu, vào đầu tháng 10/1953, một người thanh niên nhận lời kêu gọi của tổ quốc mà tham gia nhập ngũ. Hắn may mắn được cử đến Đại đoàn 316. Từ đó, hành trình của hắn bắt đầu.
*Lưu ý:
- Là truyện dài. Truyện được viết ra với mục đích thay lời cảm ơn đến những chiến sĩ nhân dân Việt Nam.
- Tốc độ: Tác giả sẽ đăng ít nhất một bài trong một tuần.
Hôm nay đã là ngày thứ ba liên tiếp tôi trằn trọc như thế này.
Gia đình và Tổ quốc chúng ta phải lựa chọn như thế nào? Tôi biết nếu tôi hỏi ai đó câu này thì họ sẽ cười phá lên rồi lắc đầu mà xem thường tôi. Họ sẽ nói tất nhiên là Tổ quốc rồi.
Nhưng than ôi, tôi nào có thể lựa chọn một cách nhẹ nhàng như vậy?
Tôi còn nhớ rõ ràng mười mấy năm cùng cực của gia đình mình. Chúng tôi chỉ là những người dân bình thường đến mức không thể bình thường hơn. Ngày ngày bố tôi phải gò mình lên chạy ngược chạy xuôi để kiếm vài xu nuôi sống gia đình. Còn mẹ tôi bà phải tất bật đi làm thuê cuốc mướn. Cuộc sống của chúng tôi tuy rằng cực khổ và vất vả, thế nhưng chúng tôi cũng đã rất thỏa mãn.
Rồi đến tháng 7/1945, khi tôi mới 9 tuổi, có một đêm bố tôi cầm con dao bầu, mẹ tôi vác cây đòn gánh rời nhà giữa đêm khuya. Cho đến sáng hôm sau, mẹ tôi trở về với nhiều vết thương trên khắp cơ thể, còn người bố đáng kính của tôi… đã không thể trở về. Từ hôm ấy mẹ tôi khóc rất nhiều, mẹ tôi tiều tụy hẳn đi. Lúc ấy, tôi chỉ là một đứa bé chưa hiểu chuyện, nên tôi chưa nghĩ được nhiều, tôi chỉ biết lẳng lặng nhìn mẹ và khóc theo.
Sau đó không lâu, chúng tôi được phân phát ruộng đất, chúng tôi đã không còn lo lắng nay đói mai no, và trên hết là chúng tôi được đi học. Cái niềm vui ấy quá lớn đến nỗi không thể diễn tả thành lời.
Từ độ ấy, tôi được tiếp xúc với nhiều kiến thức mới mẻ, trong đó hai chữ “Tổ quốc” và cả “nghĩa vụ”, “trách nhiệm”.
Thời gian dần trôi qua, qua biết bao nhiêu sự kiện lớn nhỏ trên đất nước cũng như vô số khó khăn trong thường nhật, tôi cũng dần trưởng thành. Từ một cậu nhóc được mẹ chăm sóc, chiều chuộng, tôi trở thành trụ cột của gia đình.
Nhưng khốn khổ thay, qua một cơn bạo bệnh, sức khỏe mẹ tôi càng ngày càng kém. Bà ốm đau mỗi lúc một nhiều. Rồi 9 năm trôi qua, đến bây giờ bà chỉ có thể chống gậy mà khập khiễng bước đi. Bà thật sự rất cần đứa con duy nhất chăm sóc mỗi khi trái gió trở trời. Nếu tôi rời xa nhà thì ai sẽ chăm sóc bà? Mẹ tôi đã quá yếu để có thể tự lo cho mình.
Ba hôm trước tôi nhận được lệnh vận động nhập ngũ. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng tôi vẫn không thể quyết định dứt khoát. Tôi biết Tổ quốc cần tôi góp một phần sức mạnh, tôi cũng biết nghĩa vụ, trách nhiệm và bổn phận của mình. Thế nhưng mà còn mẹ tôi thì sao? Tôi có thể nào yên tâm nhập ngũ khi mẹ tôi bơ vơ một mình? Tôi có thể nào yên tâm nhập ngũ khi trong lòng luôn lo lắng cho bà.
Tôi yêu Tổ quốc, nhưng tôi cũng thương mẹ tôi. Tôi muốn hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc, nhưng tôi cũng không thể bỏ mặc người mẹ tuổi cao sức yếu một thân một mình.
Vì thế tôi bắt đầu phân vân, tôi trở nên do dự, tôi trằn trọc không yên.
Sáng nay, vừa đi ra đồng, tôi được một anh dân binh gọi lại nhắc nhở: “Cấp trên thông cảm cho tình cảnh của gia đình cậu nên cậu mới được đặc cách di chuyển theo tốp cuối cùng. Bản thân tôi cũng biết tình huống gia đình cậu, nhưng tôi hi vọng cậu sẽ giải quyết ổn thỏa mọi thứ để sáng mai lên đường”.
“Phập… Phập…”
Vì thế mà từ sáng cho đến trưa nay, tôi không có lòng dạ nào làm việc, từng nhát cuốc cứ hạ xuống đầy vô lực.
Xem ra tôi nên bắt đầu nói chuyện với mẹ tôi.
Trời dần đổ về trưa, khi cái nắng oi bức phả vào mặt, tôi đành bỏ dở thửa ruộng chưa cuốc xong mà thu tay lại. Mang theo tâm sự nặng nề, tôi lẳng lặng bước về nhà với tâm trạng rối bời.
Khẽ đặt chiếc cuốc xuống góc sân, tôi nhẹ nhàng bước vào nhà.
- Con đã về rồi à? Mau tới ăn cơm đi.
Tôi ngạc nhiên nhìn về một nồi cơm và nồi canh cá cùng với một dĩa khoai lang trên cái vung nhỏ nằm giữa nền nhà mà sốt sắng:
- Mẹ, con đã nói rồi mà. Mọi chuyện ở nhà cứ để con lo, mẹ chỉ cần nghỉ ngơi là được. Sao hôm nay mẹ lại nhọc công như vậy chứ?
Rồi tôi luống cuống hỏi thăm:
- Mẹ có thấy mệt ở đâu không? Mẹ có thấy khó chịu chỗ nào không?
Mẹ tôi đứng dậy rời giường, bước nhanh tới bên vung cơm rồi mỉm cười nói:
- Cái thằng này, mẹ rất khỏe, mày cứ lo xa. Cái thân tao ít nhất cũng có thể vác mấy bao khoai lang chạy quanh làng đấy.
Tôi nhanh chân chạy tới đỡ mẹ mà ân cần hỏi:
- Sao mẹ lại đi nhanh như thế. Bệnh tình của mẹ đã thuyên giảm đâu.
Mẹ nhìn tôi và khẽ cười:
- Thằng ngốc, bệnh của mẹ đã đỡ nhiều rồi. Tất cả cũng là nhờ công chăm sóc bấy lâu của mày đấy. Thôi ngồi xuống ăn cơm kẻo nguội.
Sau khi đỡ mẹ ngồi xuống, tôi nhanh nhảu múc cơm ra chén và nhanh tay gắp một miếng cá cho bà.
- Mẹ, ăn nhiều vào cho chóng khỏe.
Liếc nhìn về dĩa khoai lang, tôi bắt đầu cầm từng củ lên mà nhai ngấu nghiến.
Thấy vậy mẹ tôi đặt chén cơm xuống và tức giận lên tiếng:
- Cái thằng này, cơm không ăn đi ăn khoai lang làm gì? Mẹ nấu khoai lang không phải để mày ăn thay cơm.
Tôi cười khẽ, dối lòng trả lời:
- Khoai lang là món khoái khẩu của con mà. Nhìn thấy khoai lang là con không nhịn được.
Mẹ trừng mắt nhìn tôi:
- Mẹ nuôi mày bao nhiêu năm mà còn không biết tính khí của mày sao.
Bị mẹ lật tẩy, tôi xấu hổ cười trừ:
- Rồi rồi. Con ăn cơm ngay đây.
…
Sau bữa cơm trưa, sau khi dọn dẹp xong tất cả, tôi bước về phía cái giường nơi mẹ đang ngồi. Được nửa đường tôi lại quay ra, rồi khi tới cửa nhà tôi khựng người mà lại bước trở vào.
- Có chuyện gì mà mày đi đi lại lại thế hả con?
Nghe tiếng mẹ hỏi, tôi ngập ngừng không biết phải mở lời như thế nào.
- Con…
- Có phải là chuyện nhập ngũ không?
Nghe mẹ nói, tôi giật mình:
- Sao mẹ biết?
Ở bên đó, mẹ tôi lắc đầu:
- Mọi người đều biết thì mẹ có thể nào không biết được. Mày không cần suy nghĩ nhiều, cứ đi nhập ngũ thôi.
Tôi hoảng sợ la lên:
- Nhưng còn mẹ thì sao? Con không thể…
Không đợi tôi nói hết thì mẹ đã lớn tiếng cắt ngang:
- Không nhưng nhị gì cả. Càng không lý do gì hết. Mẹ có thể tự lo cho mình như ngày hôm nay vậy. Mày cứ việc yên tâm mà nhập ngũ. Ý mẹ đã quyết, mày đừng nhiều lời.
Tôi như chết lặng đứng đó. Thì ra hôm nay mẹ cố sức làm bữa cơm là vì điều này sao? Thì ra tất cả cũng chỉ là do tôi không hiểu suy nghĩ của mẹ hay sao?
Nhưng liệu có phải mẹ đã có thể tự lo cho mình như lời mẹ nói hay không?
…
Sáng hôm sau, khi gà còn chưa gáy, khi mà sương mù vẫn còn dày đặc, tôi đã đứng nơi thềm nhà với chiếc túi cũ kĩ đựng vài vật dụng mà mẹ đã cất công sắp xếp hết một buổi tối.
Trong lòng không chút nào yên ổn, tôi đau lòng nhìn mẹ.
Ở phía bên kia, mẹ tôi trìu mến nhẹ giọng:
- Đi đi con. Hãy đi chiến đấu vì Tổ quốc. Mẹ hứa với con rằng khi con trở về, mẹ vẫn còn mạnh khỏe mà nấu cho mày mấy nồi khoai lang.
Câu nói của mẹ khiến tâm tình tôi bình ổn trở lại.
Vứt bỏ chút chua xót và không nỡ, chút đau nhức và xót xa, chút khổ sở và khó chịu… ngổn ngang trong lòng. Tôi nắm lấy bàn tay nhăn nheo vì tuổi già của mẹ mà không kìm chế được rưng rưng nước mắt:
- Mẹ… Con đi rồi mẹ nhớ bảo trọng. Những ngày trời nắng mẹ nhớ đội nón, những ngày trời lạnh mẹ nhớ mặc thêm áo. Rồi những khi…
Tôi đang định nói tiếp thì mẹ cười xòa vỗ đầu tôi:
- Cái thằng này, mày không cần phải lo. Mẹ sống cả đời người rồi con ạ.
Rồi mẹ xua tay và quay người bước vào nhà:
- Đi đi. Đi đi con. Đi làm những điều thiêng liêng nhất.
- Mẹ ơi, con…
- Đi đi. Đừng chậm trễ rồi hỏng việc. Đừng vì việc gia đình mà làm hỏng chuyện của Tổ quốc.
Tôi lặng im nhìn bóng lưng gầy gò của mẹ, lặng im nhìn mái tóc hoa râm và chiếc áo bà ba đã nhuốm màu thời gian ấy thật lâu.
- Sao mày vẫn còn đứng đó? Mày muốn mẹ tức chết à?
Tôi nhìn bóng lưng mẹ mà nắm chặt hai bàn tay, rồi âm thầm thề: “Nhất định con sẽ trở về”.
Khẽ cắn bờ môi, tôi lấy hết dũng khí hét lớn và quay lưng bước đi:
- Mẹ, hãy đợi con. Con sẽ nhanh chóng trở về. Lúc ấy con trai của mẹ sẽ là một chiến sĩ giỏi giang.
…
Từng tia nắng ban mai rọi chiếu khắp đất trời. Từng tiếng gà gáy vọng lại từ mọi góc làng đánh vỡ màn đêm u tối.
“Ò… ó… o… o…”
“Ò… ó… o… o…”
Giữa khung cảnh bình dị ấy, một con người đã bắt đầu hành trình không ai biết rõ của mình.
Tôi vừa kết thúc một ngày huấn luyện như bao ngày khác. Tôi cố gắng kéo cái thân thể uể oải về vị trí xưa nay của mình mà mắc võng ngủ. Huấn luyện gian khổ gần như quá sức chịu đựng của tôi. Hằng ngày, tôi bị các vị huấn luyện viên vắt kiệt sức lực, vắt ra tất cả những giọt nước dư thừa trong cơ thể. Theo như lời nói yêu thích của vị huấn luyện viên thì là: “Thanh niên không đổ hết mồ hôi thì không phải là thanh niên”.
Những cuộc huấn luyện thô thiển mà dân dã nhưng lại là khó khăn nhất và ma quỷ nhất. Không ít lần tôi muốn bỏ cuộc, không ít lần tôi kiệt sức nằm dài mà nghĩ rằng mình đã chết.
Chỉ sau ba ngày đầu, không ít người đã bỏ cuộc giữa chừng. Thời gian dần trôi qua, số người bỏ cuộc và xin lui ra khỏi huấn luyện tăng lên chóng mặt. Thế nhưng tôi vẫn cố gắng tàn nhẫn cắn răng vượt qua.
Tất cả cũng bởi vì lời tôi đã hứa với mẹ tôi trước khi đi xa.
Cơ thể tôi cũng không phải đúc từ sắt đá gì. Cơ thể tôi cũng không phải đã mất hết cảm giác. Nhưng với niềm tin mãnh liệt của bản thân, nhưng với hình bóng người mẹ sâu trong tâm khảm mình, tôi vẫn âm thầm chịu đựng, tôi vẫn đau khổ chống chọi với tất cả những kiểu huấn luyện tàn khốc nhất.
Ngày qua ngày, từ một con người yếu đuối và nhu nhược, với niềm tin của mình, tôi cảm thấy mình dần trở nên mạnh mẽ, cả về sức mạnh và tinh thần. Tôi dần quen thuộc với cách huấn luyện ma quỷ này. Từng ngày, từng ngày trôi qua, dù cuộc sống của tôi như địa ngục, thế nhưng tôi vẫn tiếp tục dấn bước không ngừng nghỉ.
Người không trải qua huấn luyện điên cuồng như tôi và họ thì không thể nào có thể hiểu được những đau khổ giày xéo mà chúng tôi đang trải qua trong thầm lặng. Nó thật sự… còn hơn cả địa ngục. Mỗi khi nghĩ về nó, cho dù là tôi bây giờ, tôi cũng không tự chủ run rẩy một hồi.
Khẽ nằm lên võng, tôi chỉ muốn ngả lưng nghỉ ngơi bởi vì sau huấn luyện, chúng tôi đều bị mất cảm giác ăn uống. Trong nháy mắt, ánh mắt đột nhiên khép lại, đầu óc của tôi cũng ngắn ngủi mơ hồ.
Qua một hồi lâu, tôi mới tỉnh lại và dần dần hồi phục tinh thần. Tất nhiên đây là cách các huấn luyện viên đã hướng dẫn chúng tôi. Thường thì sau mỗi lần huấn luyện, chúng tôi phải đi đứng thả lỏng hơn 30 phút, rồi sau đó được về nghỉ ngơi 10 phút rồi mới bắt đầu cơm tối.
Khi tỉnh dậy, như mọi khi, tôi chậm chạp bước từng bước một đầy mỏi mệt, tôi cố gắng lếch cái thân xác xác xơ tiến về giữa trại – nơi bày sẵn món cháo măng quen thuộc. Nhìn khung cảnh tấp nập và náo nhiệt, tôi tự giác tiến lên nhận cháo rồi quay về vị trí chỉ định lẳng lặng bắt đầu bữa ăn.
- Nghe nói không? Đoàn trưởng trở về rồi!
Cách đó không xa, mấy tên lính mới nhập ngũ không lâu như tôi tán gẫu, động tĩnh nơi này làm tôi thả chậm việc ăn uống lại mà lắng nghe.
- Chúng ta có thể sẽ được điều động hay không?
- Nhất định sẽ! Quân dân chúng ta làm sao sẽ sợ thực dân Pháp? Nếu thực dân Pháp đã dám thách thức thì chúng ta cũng sẵn sàng nghênh tiếp.
“Sắp phải ra chiến trường sao?” – Tôi thầm nghĩ.
Tuy dưới cách nhìn của mọi người, tôi là một con người ít nói và khó gần, nhưng dựa vào thông tin mà tôi cóp nhặt được từ mọi người thì tôi cũng biết được tình hình chiến đấu ở nơi tiền tuyến một cách khái quát.
Mấy tháng trước, quân Pháp được Đế quốc Mỹ hỗ trợ rất lớn về hậu cầu và vũ khí. Từ đó, chúng bắt đầu xây dựng tại Điện Biên Phủ một tập đoàn cứ điểm lớn. Nghe nói nơi đây có một lượng lớn tinh nhuệ của Pháp với những trang bị vũ khí tối tân, cũng như hệ thống phòng ngự liên hoàn, cộng với hai sân bay lớn. Chúng tự nhận đây là “pháo đài bất khả xâm phạm”.
Mặc dù sau khi rời làng, sau khi va chạm nhiều, tôi biết kiến thức của mình không cao, nhưng tôi biết rõ khi thực dân Pháp đã dám lớn tiếng nói ra như vậy thì cái tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ này không dễ dàng công phá tí nào, nếu không muốn nói rằng rất khó tiến công chiếm đóng.
Cho đến một tháng trước, thực dân Pháp cho máy bay rải truyền đơn thách thức quân đội ta khắp nơi. Thông tin này như cơn lũ không thể ngăn cản bay nhanh về mọi nơi. Ở nơi đây ai cũng đều biết, ai cũng căm giận, tôi cũng vậy. Nhưng không ai có thái độ gì quá rõ ràng. Tất cả mọi người đang chờ đợi quyết định từ phía trên, tất cả mọi người đều đang chờ đợi lệnh điều động từ cấp trên.
Tôi là một người con của đất nước, tôi càng là một chiến sĩ của quê nhà. Thế nên tôi cũng đang chờ đợi Tổ quốc gọi tên.
Từ phía bên trái, một người trung niên với bộ áo quần đơn sơ nhưng nghiêm chỉnh mang quân hàm thiếu úy từng bước, từng bước bước đến nơi này. Khi gã đội trưởng nhìn thấy người trung niên, hắn lập tức hét lớn:
- Nghiêm. Tất cả đứng chào chỉ huy.
“Xoạt… Xoạt… Xoạt…”
Vốn đang nghỉ ngơi, chúng tôi đồng loạt đứng dậy, xếp thành một hàng theo thứ tự chỉ định từ trước. Đồng thời đứng nghiêm và giơ tay chào.
Trong thoáng chốc sau, người thiếu úy này đã đứng đối diện chúng tôi. Người thiếu úy cũng đứng nghiêm và giơ tay chào lại chúng tôi. Sau đó tôi nghe người cấp trên nói lời đầu tiên.
- Được rồi. Nghỉ.
Nhận được mệnh lệnh, chúng tôi đồng thời bỏ tay xuống và giữ tư thế đứng nghỉ.
Người thiếu úy nhìn chúng tôi mà gật đầu rồi mỉm cười:
- Các đồng chí không cần phải căng thẳng. Tôi đến nơi này chỉ là để thông báo mà thôi.
Nói đến đây người thiếu úy dừng lại một chút, sau đó nhìn qua tất cả chúng tôi mà nói tiếp:
- Như các đồng chí đã biết, tình hình chiến sự bây giờ vô cùng khốc liệt. Chúng ta đang dần đi đến những cuộc chiến quan trọng nhất. Tuy rằng cấp trên vẫn muốn huấn luyện các đồng chí thêm một thời gian, nhưng rất tiếc là chúng ta đã không chờ được. Thế nên cấp trên chỉ có thể chấp nhận thu hoạch những quả non còn chưa chín tới. Cấp trên đã quyết định chuyển các đồng chí về các đơn vị chiến đấu để chuẩn bị cho những cuộc chiến then chốt tiếp theo. Tôi hi vọng rằng các đồng chí có thể thấu hiểu nỗi khổ tâm của cấp trên cũng như hi vọng các đồng chí sẽ tỏa sáng trên các chiến trường vinh quang ấy.
Người thiếu úy lại dừng lại. Có lẽ chú ấy đang chờ chúng tôi tiếp thu một thoáng tin tức này.
Ngay cả tôi cũng thoáng sững sờ. Thực ra với tôi mà nói thì từ lúc nhận được lệnh nhập ngũ, tôi đã nghĩ ngay đến việc tôi sẽ phải ra thẳng chiến trường mà bắt đầu phấn đấu vì vinh quang của Tổ quốc.
Tôi hoàn toàn không nghĩ tới việc tôi sẽ được đưa đến một nơi yên bình như thế này và rồi được huấn luyện, cũng như may mắn trụ lại trại huấn luyện cho đến giờ phút này. Nhiều lúc tôi cảm thấy may mắn khi không phải đối mặt với mưa bom bão đạn mỗi ngày. Thế nhưng dần dần tôi lại cảm thấy trách nhiệm của bản thân ngày một lớn hơn.
Tôi cũng dần hiểu rằng cấp trên bỏ nhiều công sức huấn luyện chúng tôi vì trong tương lai chúng tôi sẽ trở thành những chiến sĩ đặc biệt. Đặc biệt ở đây không phải là khác những người khác mà đơn giản là chúng tôi sẽ là những người phải gánh lấy những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nhất.
Không chỉ tôi, mà tất cả mọi thành viên được huấn luyện đều hiểu được điều đó. Tôi và mọi người không có một chút bất mãn và suy nghĩ lùi bước. Bởi vì lẽ sống của chúng tôi chính là cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Bởi vì lẽ sống của chúng tôi chính là một lòng một dạ hướng về quê hương, đất nước. Tất nhiên tôi chỉ có thể diễn tả qua vài câu chữ thông thường ấy, tôi không nghĩ ra được những từ mỹ miều, đẹp đẽ nào khác. Và vì thế, tôi chỉ có thể nói theo nhịp đập của trái tim mình.
Rất nhanh giọng nói trầm bổng của người thiếu úy đánh gãy những suy nghĩ miên man của tôi:
- Phía dưới đây là danh sách. Đầu tiên là danh sách các thành viên được sắp xếp vào Đại đoàn bộ binh 312. Khi tôi đọc đến tên đồng chí nào thì đồng chí ấy phải bước về khu đất phía bên trái tôi.
Dứt lời, người chỉ huy chỉ tay về khu đất ấy rồi sau đó bắt đầu lấy ra một tờ giấy từ trong ngực và bắt đầu đọc tên:
- Lê Sơn, Phạm Văn Tiến, Lê Công Tí,…
“Xoạt… Xoạt… Xoạt…”
Khi từng cái tên vang lên, những người có cái tên được gọi lập tức rời hàng ngũ, bước đều về vị trí chỉ định.
Chỉ một thoáng sau, có 35 người đã về vị trí ấy.
Đến đây người chỉ huy dừng lại, cất tờ giấy vào trong ngực, đồng thời hài lòng nhìn về phía họ. Sau đó, chú ấy quay lại mà thân thiện cười nói:
- Những người còn lại được sắp xếp vào Đại đoàn bộ binh 316. Sau tối nay các đồng chí phải chuẩn bị hành lý sẵn sàng. Đến 4 giờ sáng mai các đồng chí phải tập trung tại hai vị trí này. Lúc ấy sẽ có một tiểu đội đến dẫn đường cho các đồng chí đi về Đại đoàn mình được sắp xếp. Đến đây nhiệm vụ của tôi cũng đã xong. Tôi phải rời đi rồi. Các đồng chí cứ tiếp tục tập luyện. Chào các đồng chí.
- Mọi người nghiêm! Chào chỉ huy!
Nhận được lệnh, tất cả hai nhóm người đều nhanh chóng xếp thành hàng đứng nghiêm và đưa tay lên chào.