Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 01-06-2008, 12:05 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Hoàng thân xứ Triệu Voi và hoa khôi xứ trầm hương

TP- Tháng 6/1937, Hoàng thân Souphanouvong, con trai út của Phó vương Bounkhoong và bà phi Mom Kham Ouane nhận bằng tốt nghiệp trường Quốc gia Cầu đường Paris.
Duyên kỳ ngộ

Được bổ nhiệm về Sở Công chính Trung kỳ (Travopublic), Hoàng thân Souphanouvong đáp tàu hỏa từ Sài Gòn ra tới Nha Trang sáng 13/7/1937, đúng sinh nhật lần thứ 28 của ông.

Ga Nha Trang được khánh thành ngày 2/9/1936, khu nhà ga chỉ có một tầng nhưng khá bề thế, trông ra một vườn hoa rộng.

Tọa lạc hai bên vườn hoa là hai tòa nhà có vẻ ngoài giống hệt nhau và cùng kiểu dáng kiến trúc, cùng màu sắc với nhà ga.

Từ cửa ga nhìn ra, bên trái là Terminus Hotel của Hoa kiều A Tỷ, bên phải là Bon Air Hotel của ông Nguyễn Văn Sung, Chủ sự Bưu điện Khánh Hòa.

Sự hài hòa, khoáng đạt của cảnh quan kiến trúc đã khiến ga Nha Trang được đánh giá là đẹp thứ nhì Đông Dương, chỉ sau ga Đà Lạt…

Đứng ở sân ga nhìn hai khách sạn “song sinh”, Hoàng thân Souphanouvong phân vân, tạm trú tại đâu? Theo tiếng Pháp, Terminus nghĩa là Cuối Cùng, khách sạn mang tên này ở phía Tây, trong khi khách sạn ở phía Đông mang tên Bon Air có nghĩa là Không Khí Trong Lành.

Hoàng thân đã chọn khách sạn ở phía của bình minh, chọn Không Khí Trong Lành. Một lựa chọn định mệnh, không chỉ với riêng ông.

Ông Nguyễn Văn Sung quê gốc ở Quảng Nam, cha mẹ ông tham gia chống ách đô hộ của thực dân Pháp, bị truy lùng nên phải vào Nha Trang lánh nạn.

Cưới vợ đầu là bà Trần Thị Giá đã lâu mà không có con, ông Nguyễn Văn Sung cưới vợ thứ là bà Lê Thị Nói.

Ngày 21/12/1921 bà Nói sinh con gái đầu, được đặt tên là Nguyễn Thị Kỳ Nam, theo tên thứ sản vật quý của Khánh Hòa.

Sau khi học hết tiểu học tại trường Pháp Việt Nha Trang (trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, đường Hàn Thuyên hiện nay), Kỳ Nam ra Huế học trường nữ học Đồng Khánh.

Nhiều cụ cao niên ở Nha Trang như bác Nguyễn Văn Hùng (Cung Giũ Hùng, em ruột nhà văn Cung Giũ Nguyên), vợ chồng bác Trần Văn Sóc - Huỳnh Thị Nhồng… còn nhớ, bà Kỳ Nam có vóc dáng cân đối, nước da trắng, mái tóc đen óng ả, giao tiếp hoạt bát tự nhiên.




Tháng 7/1937, cô Kỳ Nam đang nghỉ hè, phụ giúp cha mẹ ở quầy tiếp tân Bon Air Hotel. Hoàng thân xứ Triệu Voi và hoa khôi xứ trầm hương làm quen nhau tại đây.

Em ruột bà Kỳ Nam là bà Nguyễn Thị Ba Hường kể, ban đầu cha bà không thích Hoàng thân Souphanouvong, vì ông không phải là người Việt.

Cho đến khi bà Trần Thị Giá bị bệnh, phải nằm viện. Bữa đó, ông Nguyễn Văn Sung đến chăm vợ, thấy Hoàng thân Souphanouvong tháo chiếc vòng có tượng Phật ở cổ mình choàng lên cổ bà Giá với thái độ rất thành tâm.

Hoàng thân cho biết, làm vậy để cầu phúc cho bà Giá, mong truyền được sức khỏe sang giúp bà vượt qua bệnh tật…

Ngày 19/1/1938, tiệc cưới giữa Hoàng thân Souphanouvong và cô Kỳ Nam được tổ chức tại Grand Hotel, nay là Nhà khách 44 Trần Phú, Nha Trang.

Sau ba năm làm Trưởng phòng Kỹ thuật tại Travopublic, Hoàng thân Souphanouvong được thuyên chuyển sang Mường Phìn (tỉnh Savannakhet, Lào), rồi lại được điều về Vinh.

Ông đã tham gia thiết kế và phụ trách thi công nhiều công trình như đập Bái Thượng (Thanh Hóa), đập Đô Lương, cầu Yên Xuân (Nghệ An), tháp nước bên sông Cà Ty, ngày nay là biểu tượng của thành phố Phan Thiết…

Lấy chồng, bà Kỳ Nam mang tên Lào là Viêng Khăm (Vienkham, theo tiếng Lào có nghĩa là Thành Vàng, tên cũ của thủ đô Viêng Chăn) và còn có một tên Việt khác là Kiều Miêng.

Ông bà có tám con trai, hai con gái. Khi họ sinh người con thứ năm và là con gái đầu tiên, cụ Nguyễn Văn Sung làm thơ chúc mừng con cháu: “Năm cháu lưu truyền có sướng không - Bốn rồng một phụng gắn thêm bông - Hoàng gia thơm nức Kỳ Nam Việt - Tài đức lẫy lừng cõi Á Đông”.

Người con gái đó được đặt tên là Đọt Kẹo (Búp Ngọc), tên Việt là Nga Hoàng, sau đổi là Kiều Nga.

Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Souphanouvong ra Hà Nội bàn việc bảo vệ nền độc lập non trẻ của Việt Nam và Lào.

Tối 2/9/1945, xe đón cựu hoàng Bảo Đại, tức công dân Nguyễn Vĩnh Thụy từ Huế ra Hà Nội làm Cố vấn Chính phủ tới Vinh, Hoàng thân Souphanouvong lên xe này cùng ra Hà Nội luôn.

Tháng 10/1945, Hoàng thân trở về Lào tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước. Ông được cả thế giới biết đến với danh hiệu “Ông Hoàng Đỏ”.

Cho tới khi Hoàng thân mất ngày 9/1/1995, bà Viêng Khăm đã gắn bó với ông gần 60 năm, trong đó có 30 năm kháng chiến gian khổ.

Phải tạm lánh sang Thái lan, ở Việt Bắc hay ở căn cứ Sầm Nưa, kể cả khi Hoàng thân bị phái hữu Lào bắt giam tại nhà tù Phon Kheng ở Viêng Chăn năm 1959 – 1960, bà luôn ở cạnh ông. Bà mất ngày 1/9/2006.

Trân trọng và ghi nhớ

Hoàng thân Souphanouvong đã làm việc trong ba năm tại Travopublic, nay là Bảo tàng Khánh Hòa (16 Trần Phú). Ông ở tại một ngôi nhà công vụ bên cạnh Travopublic, trên khu đất nay có khách sạn Sunrise Nha Trang.

Ngày đó, nhà sách lớn nhất ở Nha Trang là nhà sách Hướng Nhật trên đường Graffeuil (tên của Khâm sứ Trung kỳ, nay là đường Thống Nhất).

Bác sĩ Kiều Xuân Cư từng bán sách ở hiệu sách Hướng Nhật vẫn nhớ, Hoàng thân cùng một cộng sự là Kỹ sư Trần Đăng Khoa (người sau này là Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính và Bộ trưởng Bộ Thủy lợi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) thường tới đây vào những chiều thứ Bảy…

Với lòng trân trọng, yêu mến người góp phần quan trọng vun đắp mối quan hệ Lào - Việt “tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, nhà thơ Giang Nam - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - đã đề nghị gắn biển ghi nhớ Hoàng thân Souphanouvong ở Bảo tàng Khánh Hòa.

Ông Ngô Hộ - nguyên Chánh Văn phòng Đoàn cố vấn T.Ư Đảng Lao động Việt Nam tại Lào và Bác sĩ Kiều Xuân Cư đề xuất đặt tên Souphanouvong cho đường Thái Nguyên, nơi có Bon Air Hotel. Tuy nhiên…

Nhà ga Nha Trang xưa vẫn còn đến ngày nay, phía trước được gắn tấm biển Di tích lịch sử nhắc nhớ ngày Nha Trang đứng lên chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, 23 tháng 10 năm 1945.

Vườn hoa trước ga nay là công viên Võ Văn Ký, mang tên người đại đội trưởng đã hy sinh anh dũng khi chỉ huy trận đánh quân Pháp ở ga Nha Trang đêm 23/10/1945.

Terminus Hotel được Phòng CSGT, Công an Khánh Hòa sử dụng làm trụ sở, vẫn được giữ vẻ ngoài như xưa. Chỉ có Bon Air Hotel, nơi nảy nở mối lương duyên Hoàng gia thơm nức Kỳ Nam Việt là không còn nữa.

Năm 1978, Hoàng thân Souphanouvong - khi đó là Chủ tịch Cộng hòa DCND Lào và bà Viêng Khăm về thăm Nha Trang.

Cha mẹ bà Viêng Khăm đã mất, nhưng gia đình bà Ba Hường vẫn sống tại nơi chị em bà đã sinh ra và lớn lên, nay là nhà số 2 đường Hai Tháng Tư, phường Vạn Thạnh. Sau chuyến về quê nhà, bà Viêng Khăm mời gia đình bà Ba Hường sang thăm Lào.

Ở Viêng Chăn, bà Viêng Khăm cùng Hoàng thân Souphanouvong và bà Ba Hường đã bàn việc tặng tòa nhà Bon Air Hotel cho tỉnh, lúc ấy còn là tỉnh Phú Khánh.

Về Nha Trang, bà Ba Hường đã trực tiếp trao phong bì có văn bản của bà Viêng Khăm về việc tặng Bon Air Hotel cho Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh, khi đó là ông Mai Dương.

Bon Air Hotel được một Công ty du lịch của tỉnh tiếp tục sử dụng, nhưng chỉ còn được biết đến với số nhà 26 Thái Nguyên.

Sau những dích dắc của cổ phần hóa doanh nghiệp, tòa nhà này thuộc quyền sử dụng của Cty cổ phần Thành Công, một công ty có quan hệ mật thiết với bà T.H., người phụ nữ được coi là nhiều thế lực nhất ở Khánh Hòa.

Cuối tháng 3/2008, công ty này đã cho phá dỡ tòa nhà 26 Thái Nguyên để lấy mặt bằng xây cao ốc văn phòng. Bon Air Hotel mất hẳn dấu vết!

Kể về Bon Air Hotel, rồi bà Ba Hường lại buồn bã nói về ngôi mộ cụ Nguyễn Văn Chất- ông nội của chị em bà - ở khu đất số 46 đường Đồng Nai, phường Phước Hải.

Hoàng thân Souphanouvong đã nhiều lần đến thành kính cúi lạy, thắp hương trước ngôi mộ. Hai dì ruột bà Kỳ Nam là bà Mẫu Đơn và bà Nữ Anh khi mất cũng được chôn cất ở đây.

Năm 1972, trong cảnh thân cô thế cô, bà Ba Hường đã bảo vệ được khu mộ trước sự lấn ép của một gia đình, cậy có nhiều người là lính của chế độ Sài Gòn cũ. Sau năm 1975, bà Viêng Khăm đã góp tiền để tu sửa khu mộ.

Nhưng đến năm 1997, một người trong gia đình từng gây sự năm 1972 là ông Phan Quang Nhủy đã gỡ hàng rào khu mộ, dựng lều quán phía trước. UBND thành phố Nha Trang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc ông Nhủy tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất công.

Ngày 30/9/1999, ông Võ Lâm Phi - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa (nay là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh) - có công văn gửi UBND tỉnh, nêu ý kiến: “Trong việc tạo dựng mối quan hệ láng giềng, hữu nghị đặc biệt Việt – Lào có sự đóng góp to lớn của cố Hoàng thân Souphanouvong và bà Nguyễn Thị Kỳ Nam.

Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng cùng với gia đình gìn giữ, bảo vệ khu mộ nói trên.”

Tuy nhiên, sau đó gia đình ông Nhủy vẫn dựng căn nhà nhếch nhác che chắn mặt truớc khu mộ, chỉ chừa một lối nhỏ ra vào.

Đến tháng 2/2007, UBND thành phố Nha Trang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất 46 Đồng Nai cho ông Nhủy! Cảnh khu mộ bị vây ép mất mỹ quan đã làm phiền lòng nhiều đoàn quan khách đến viếng.

Cuối tháng 12/2006, Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước đến viếng khu mộ, UBND phường Phước Hải đã phải vất vả che chắn những tấm phên, ván tả tơi ở phía sau căn nhà của ông Nhủy, chỉ cách bia mộ cụ Chất vài mét!

Trong cuộc họp báo mới đây, một Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói ông không biết tòa nhà 26 Thái Nguyên có liên quan sâu sắc đến Hoàng thân Souphanouvong. Tuy nhiên ông nói, nếu nhà đã được tặng thì phía nhận tặng có toàn quyền định đoạt!

Trung tâm Quản lý di tích danh lam thắng cảnh Khánh Hòa và Bảo tàng Khánh Hòa cũng không lưu giữ tư liệu nào về Bon Air Hotel.

Một cán bộ Bảo tàng Khánh Hòa kể, mới đây có một đoàn khách từ Lào tìm đến những nơi ghi dấu Hoàng thân Souphanouvong ở Nha Trang.

Bon Air Hotel đã bị phá, Bảo tàng Khánh Hòa về cơ bản vẫn như Travopublic cách đây 70 năm, nhưng đề nghị về việc gắn biển ghi nhớ Hoàng thân Souphanouvong ở đây dường như đã bị lãng quên! Đoàn khách nuớc bạn chụp ảnh, rồi cứ đứng tần ngần ở Bảo tàng hồi lâu.

Họ có biết rằng, trước cách những người có trách nhiệm ứng xử với những địa điểm gắn liền với danh nhân, nhiều người ở Nha Trang, nơi tự hào là thành phố du lịch hấp dẫn bậc nhất Việt Nam cũng đang có tâm trạng như họ!

Nguyễn Đình Quân



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™