Ghi chú đến thành viên
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 01-06-2008, 12:13 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Về một nữ anh hùng “tam giác sắt”

TP- Con đường từ thành phố Phan Thiết về đến xã Hàm Liêm bây giờ được tráng nhựa phẳng lì khá đẹp mắt. Khu công nghiệp Phan Thiết hình thành làm vùng ven đô thị thay đổi từng ngày, từng giờ.
Theo chỉ dẫn của anh thanh niên đang cầm càng độc móc cua ruộng, tôi dừng trước căn nhà xây khá đẹp, cửa mở thênh thang.

Nhà Anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh nặng Phạm Thị Mai, bà con trong vùng quen gọi là Tám Mai, Tám Tiệm.

Cô ngồi trên chiếc xe lắc tay, trên ghế ngồi có một quả mít, một con gà, bó rau xanh từ chợ xóm về.

Nữ du kích mật ba lần bị địch cưa chân

Thôn 3, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận ngày nay, xưa là vùng chiến tranh ác liệt trong khu “Tam giác sắt” thuộc quận Thiện Giáo (Bình Thuận cũ).

Từ những năm 1960, Mỹ - ngụy tìm mọi cách kéo dân ra khỏi vùng căn cứ kháng chiến, lập nhiều ấp chiến lược với dây thép gai và mìn bao bọc quản chế dân trong vùng mà trên 85% là theo cách mạng.

Sinh ra trong một gia đình rặt nông dân nghèo, có bảy anh chị em (ba trai) đã hy sinh 2 người, Tám Mai được giác ngộ cách mạng từ rất nhỏ. Bao nhiêu đơn vị biệt kích, lính cộng hòa, lính Mỹ đến vùng này đều kinh sợ hai đối tượng “xuất quỷ nhập thần” là du kích mật và đám con nít.

Con nít ở đây, đứa nào cũng biết xé cờ ba que, ném lựu đạn vèo vèo. Chưa nói trên các đoạn tỉnh lộ 8 vắng vẻ chạy qua giữa các cánh đồng, vài tháng có mìn nổ, đắp mô ám sát ác ôn, sĩ quan khét tiếng gian ác.

Nghe tiếng du kích mật Hàm Chính, Hàm Liêm, nhiều tên lính mất ăn, mất ngủ khi bị điều đến vùng này.

Năm 1961, mới 14 tuổi, Tám Mai đã làm liên lạc, vận chuyển vũ khí vào ấp chiến lược, tiếp tế thuốc men, thực phẩm cho cách mạng và nghe ngóng tình hình để báo cáo cho mấy anh, mấy chú du kích.

Năm 17 tuổi, Tám Mai được cử làm Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Hàm Liêm, là đội viên du kích mật Sông Nhị hoạt động khắp các vùng Hàm Tiến, Hàm Hiệp và Hàm Phong. Từ 1961 đến 1964, đội du kích mật mưu trí, dũng cảm tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, bắt sống 7 tên lính võ trang.

Trong số này có tên Xược là một ác ôn khét tiếng trong vùng. Tháng 2/1965, Tám Mai- Phó bí thư xã Đoàn là đội viên đội công tác Hồng Hà (Hàm Liêm) được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng.


AHLLVT Phạm Thị Mai với các công việc trong nhà
Đầu năm 1967, Tám Mai làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Hàm Liêm. Lúc này phong trào chiến đấu đang nở rộ hoa chiến thắng, chiến trường Bình Thuận ngày một thêm nhiều chiến công trên mặt trận vũ trang, chính trị, binh vận.

Quân dân Hàm Chính, Hàm Liêm chiến đấu anh dũng, bẻ gãy nhiều đợt càn quét của địch, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, mật thám giữa ban ngày khiến cho bọn địch vô cùng hoang mang, hoảng sợ.

Tháng 12/1967, Tám Mai được phân công làm chính trị viên xã đội Hàm Liêm, chỉ huy du kích mật tham gia nhiều trận đánh ác liệt.

…Ngày 8/3/1968, Tiểu đoàn 4 thuộc Sư đoàn 23 của địch điều từ Buôn Mê Thuột về mở chiến dịch càn quét “làm cỏ Việt cộng” Hàm Chính - Hàm Liêm.

Đội du kích rút vào căn cứ an toàn, chỉ để lại 5 người, trong đó có Tám Mai, ẩn nấp dưới căn hầm bí mật bám trụ chiến đấu trong ấp chiến lược Tân An.

Khi bị phát hiện, bọn địch bắn xối xả, hò nhau xông đến tung lựu đạn vào miệng hầm, làm hy sinh 4 đồng chí, nhưng Tám Mai vẫn gan dạ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.

Hai quả lựu đạn M26 cô nhoài người tung lên miệng hầm đã khiến cho mấy tên lính đền mạng. Mặc dù hy sinh 4 đồng chí, nhưng hơn 10 tên địch đã đền mạng.

Tám Mai bị thương nặng ở hai chân đã bị địch bắt. Bọn địch dùng mọi cực hình tra tấn làm cô chết đi, sống lại vẫn không khai thác được gì, chúng đã cưa chân cô ngang nửa đùi.

Nhắc lại chuyện đau đớn nhất trải qua trong đời, cô lặng im hồi lâu rồi nói: “…nó ác chưa từng có, vết thương đùi máu me đầm đìa chúng không thèm băng bó, chúng dùng cưa, cắt luôn ngang đùi như cắt bó mạ…”.

Chúng chở Tám Mai về nhà thương trên Căng (sân bay Phan Thiết) ném cô vào nhà xác. Tỉnh dậy, cô cảm nhận mình đang sống, nhưng hình như đang dưới địa ngục, bốn bề là xác chết. Vết thương sưng tấy lên, nhiễm trùng, dòi bọ gặm nhấm làm thối rữa, buốt tận xương tủy…

Bọn địch mang cô vào nhà thương, chúng tiếp tục cưa chân cô hai lần nữa, làm chân trái sát bẹn, chân phải sâu hơn nửa đùi. Sau đó tống cô vào trại giam Lao Xá.

Tại đây, tấm gương dũng cảm của Tám Mai đã khiến cho tù nhân bừng bừng khí thế đấu tranh đòi tự do, cấm ngược đãi, hành hạ tù nhân trong trại nữ tù.

Đầu tháng 9/1969, nghe tin Bác Hồ kính yêu mất, Tám Mai và Nguyễn Thị Điệp (còn có tên là Hiệp, hiện ở Đức Long, TP Phan Thiết) là hai phụ nữ “chỉ huy” trong nhà lao phát động chị em tù chính trị đeo băng tang, tưởng niệm Hồ Chủ tịch và dấy lên phong trào đấu tranh quyết liệt với kẻ thù.

Cuối năm 1970, bọn địch hoảng sợ phong trào đấu tranh của trại tù đã chuyển một số tù chính trị ra quân lao Nha Trang và Côn Đảo, riêng Tám Mai (chúng gọi là Tám cụt) chúng cách li ra khỏi nhà tù, thả tự do vì chúng nghĩ, cụt hai chân dù có muốn cũng không thể nào làm gì được trong ấp chiến lược.

Về ấp chiến lược, Tám Mai được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy du kích mật, lên sa bàn các trận đánh và dò la tin tức. Anh em trong đội du kích mật gọi Tám Mai là “cục vàng sống” của du kích, hoạt động hợp pháp với vỏ bọc người tàn tật.

Bọn địch không thể ngờ rằng người phụ nữ tàn tật kia là chỉ huy du kích mật, phân công, bố trí đặt mìn, tung lựu đạn ám sát ác ôn, tiêu diệt 28 tên lính cộng hòa tại trường Hàm Liêm, diệt 2 xe tăng M113 và M141, làm nổ lựu đạn rung rinh rạp hát LiLát, Phan Thiết…

Niềm vui của người anh hùng

Đất nước hòa bình, thống nhất, Tám Mai trở về mảnh đất cũ, nơi cô và đồng đội từng chiến đấu, hy sinh để sống cuộc đời thường như bao người.

Nghèo khó và cơ cực của thời bao cấp, lại di chuyển trên hai cái ghế gỗ khó nhọc, chưa nói những cơn đau nhức khi trái gió, trở trời đã khiến cô nhiều đêm nằm khóc tủi thân và cô đơn.

Cô xin đứa con nuôi tên Phạm Thị Ái Lan (năm nay 26 tuổi, mang họ mẹ, hiện đang làm cho một chi nhánh công ty bia), làm hạnh phúc an ủi tinh thần.

Nhưng rồi lại nghĩ: hay là mình sinh con?… Một thiên chức tự nhiên và vĩ đại nhất của mọi phụ nữ bình thường trên đời nhưng với cô lại vô cùng khó khăn.

Cô đi tìm bạn bè cũ thăm dò, hỏi ý kiến các “thủ trưởng” cũ và rất nhiều người thân quen về quyết định có con.

Dư luận xã hội thời đó khắc nghiệt vô cùng vì danh tiếng cô là một thương binh, một tấm gương dũng cảm của quê hương Hàm Liêm anh hùng, huyện Hàm Thuận Bắc anh hùng… Nhưng cuối cùng cô đã thỏa nguyện.

Cô con gái Phạm Thị Yến Ly ra đời như một kỳ tích phi thường mà cô luôn nghĩ là trời cho cô. Nhớ lại những ngày tháng mang bầu Yến Ly, cô một mình cuốc ruộng, nhổ cỏ làm lụng từ sáng đến tối, mà ngay cả người lành lặn chân tay cũng bái phục.

Cô kể: “Đang cuốc ruộng tự nhiên thấy trằn trằn trong bụng, không ngờ đến ngày sinh nở mà mình đâu có biết”. Cô bé Yến Ly ra đời không những tròn trịa dễ thương, dễ nuôi mà điều bất ngờ là Yến Ly càng lớn càng xinh xắn, hiện đang là cán bộ địa chính xã Hàm Liêm, năm nay 25 tuổi.

Nhà bỗng dưng có hai con gái rất mực thương yêu nhau và hiếu thảo với mẹ, cô cười hạnh phúc: “Chiến đấu, hy sinh nửa phần cơ thể, cô đã từng chịu bao nhiêu đau đớn, giày vò cả thể xác lẫn tâm hồn, để rồi bây giờ cô được hạnh phúc bên cạnh hai con gái và cháu ngoại (con gái Ái Lan), cô không hề nuối tiếc bất cứ điều gì”.

Năm 2000, cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và cũng năm đó, UBND huyện Hàm Thuận Bắc xây tặng căn nhà tình nghĩa ngày nay cô đang ở, với mức lương, trợ cấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng, cuộc sống của cô giờ đây tạm ổn và chan hòa niềm vui trong tình yêu thương, quí trọng của mọi người.

Trần Hiếu
Phan Thiết, tháng 5/2008



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
chị bị cưa chân, cưa chân chị, tra tấn nữ du kích, tran danh tam giac sat, tran tam giac sat

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™