Đến trước căn nhà hai tầng số 44 bis phố Richaud, ba người cùng đứng lại. Đêm đã khuya. Đèn trên gác đã tắt. Hai cửa sổ mở ra đường, hai khung lớn tối đen.
- Đường ngủ rồi. Thôi để lần khác Bình hãy lên thăm. Giờ chúng ta đi chơi để cho hắn ngủ.
Huy nói rồi lại bảo Bình và Thạc :
- Nhưng hai anh đợi tôi một tí, tôi lên cất áo đã, bức lắm.
Thạc khen phải và cũng bỏ cái áo ngoài đưa cho Huy. Mùi nước hoa của Thạc bay lên thơm lừng cả một phần không khí nồng nực.
- Huy cất áo hộ tôi một thể. Nhân tiện lấy hộ bao diêm nữa, diêm của Bình hết rồi.
- Để đâu?
- Trong ngăn kéo, mà đừng làm thằng Đường thức dậy nhé. Hôm nay nó mới ngủ được sớm như thế.
- Đường cảm phải không?
- Ừ, cảm xoàng thôi. Hai hôm đầu không dậy được, nhưng mấy hôm nay gần khỏi hẳn rồi.
Trong nhà, mười hai giờ điểm. Một tiếng đằng hắng đáp lại tiếng Huy gọi. Tiếng giày kéo lê trên mặt đất. Rồi cửa mở, đầu một ông già thò ra. Huy vội nói :
- Kìa thầy, thằng nhỏ đâu mà không mở cửa?
- Nó ngủ say rồi. Giờ mới tan chiếu bóng à?
Huy nói với ông cụ đưa chìa khóa cho mình.
- Chúng con còn đi chơi lát nữa. Bức lắm không ai dám ngủ vội. Con lên cất cái áo rồi xuống ngay...
Huy vừa bước vào vừa nói tiếp :
- Thầy cứ đi ngủ đi, lúc về con mở cửa lấy cũng được.
Nghe tiếng chào của hai người thiếu niên đứng ngoài, ông cụ nheo mắt nhìn ra :
- Không dám, cậu Thạc ấy à? Còn ai nữa thế kia?
Bình nhanh nhẩu đáp :
- Thưa cụ con ạ, Văn Bình đây ạ.
- À, ông Văn Bình! Đi chơi khuya nhỉ.
Huy đã đi thẳng vào trong. Anh không bật đèn cầu thang, thuộc lòng bước nhẹ nhàng lên gác. Huy treo hai cái áo lên giá mà anh ta đã quen chỗ, rồi toan tức khắc trở xuống. Nhưng chợt nhớ bao diêm Thạc dặn lấy, anh ta mới đưa tay tìm cái vặn đèn điện trên tường.
Đèn sáng, Huy quay lại phía bàn học giữa nhà và ngạc nhiên :
- Ô kìa! Đường. Ngồi làm gì đấy?
Đường không đáp. Anh ta ngồi phía bên kia, quay lưng ra cửa sổ, người hơi cúi, ngực áp vào cạnh bàn, hai má tỳ lên hai bàn tay, mắt lặng lẽ nhìn lên quyển sách dày mở trước mặt.
Đường có vẻ đọc sách như thế từ lâu lắm, lại đọc trong lúc không có đèn!
Huy chực bật cười vì cái điều vô lý ấy, nhưng anh chợt lo ngại. Anh hỏi lên câu nữa :
- Đường! Ngồi làm gì, mà...
Câu nói cắt đứt ngay lúc Huy nhận thấy Đường im lặng một cách khác thường. Huy liền đi thẳng đến bàn học, kéo ghế ngồi trước mặt bạn, nhìn vào tận đôi mắt trân trân của Đường :
- Đường! Đường! Điếc à?
Huy không kịp nghĩ rằng đó có thể là một trò đùa của Đường. Mặt Đường xanh rớt và giữ mãi một vẻ lo buồn.
Một cảm giác kỳ dị và kinh hoàng ám nhanh đến, Huy nhìn ngang nhìn ngửa rồi đứng phắt dậy, cử chỉ hỗn loạn trong khi Đường vẫn điềm tĩnh ngồi.
Bỗng Huy kêu lên một tiếng rất ngắn, nhưng ghê gớm; một tiếng kinh dị dữ dội mà từ trước tới nay Huy mới kêu lên lần đầu. Huy vừa chợt trông thấy trên lưng Đường một con dao cắm ngập tới chuôi, trong một khoảng máu đẫm sau áo.
Nghe tiếng kêu, Bình và Thạc dưới phố nhìn lên: vừa lúc cái mặt hoảng hốt của Huy đâm chao ra ngoài khung cửa sổ.
Huy rối rít gọi :
- Bình! Thạc! Bình! Thạc! Lên mau lên! Đường chết rồi...
Sự kinh ngạc làm Bình lặng đi một lát rồi mới hỏi lên được :
- Cái gì? Đường chết?
Nhưng Thạc bình tĩnh hơn, mở cửa chạy vào báo tin cho ông cụ biết. Cả ba người cùng vội vàng lên cầu thang.
Cái dáng người chết của Đường, khi họ nhận thấy rõ, lại làm cho họ khiếp sợ hơn khi ở trước mọi người chết khác. Giữa cảnh náo động, Đường vẫn ngồi lẳng lặng, hai mắt vẫn đọc mãi trang sách, và nếu không có con dao và phần áo đẫm máu, thì có lẽ Đường sẽ đứng lên và hỏi chuyện mọi người.
Người thứ nhất trấn áp được sự kinh dị là Thạc. Anh kéo ghế nói với ông cụ chủ lúc ấy vừa run vừa rụt rè nheo đôi mắt cận thị nhìn về phía vai Đường :
- Xin cụ cứ bình tâm. Cụ ngồi xuống đây. Anh Huy đứng xa ra và đừng ai động đến anh Đường với những sách vở trên bàn giấy.
Bình thì đôi mày cau lại, nhìn khắp gian nhà một lượt như tìm tòi. Anh hỏi nhỏ Huy :
- Lúc anh lên thì cửa vào mở hay đóng?
- Mở. Trong nhà lại không tối như cầu thang.
- Anh không thấy gì khác?
- Không. Lúc bật đèn tôi còn tưởng Đường đi nằm rồi. Quay lại mới biết...
Thạc bỗng chỉ cho hai người chú ý đến cuốn sách :
- Này, các anh coi! Đường không đọc sách, nhưng đang nhìn cái này.
Mọi người cúi ghé qua vai Thạc; theo ngón tay Thạc trỏ vào một mảnh danh thiếp khổ lớn, úp mặt. Sau lưng cái danh thiếp có một hàng chữ hoa viết bằng bút chì :
X. A. E. X. I. G.
Hay chực cầm lên xem, nhưng Bình ngăn lại.
- Để yên đấy. X. A. E. X. I. G? Thế nghĩa là gì? Mà danh thiếp này có phải là của Đường không?
- Thử lật xem nào.
- Không... Ta không được thay đổi một vật gì trên bàn này trước khi sở liêm phóng đến khám xét...
Nghe nói đến sở liêm phóng, ông cụ không giấu được vẻ bối rối như tính thường của mọi người sợ những chuyện lôi thôi. Ông chỉ biết phàn nàn và coi việc xảy ra như một tai họa lớn cho nhà mình hơn là cho người chết.
- Xin cụ cứ bình tĩnh. Việc này lạ lùng lắm thực, nhưng tra xét công minh thì chả việc gì mà lo...
Ông cụ lắc đầu thở dài :
- Nhưng làm sao cậu Đường đến nỗi thế này...
Bình hỏi :
- Cụ vẫn ở nhà từ lúc tối đấy chứ?
- Vâng.
- Còn anh Huy, anh Thạc đi từ mấy giờ?
Thạc trả lời :
- Từ tám giờ rưỡi. Huy, Đường với tôi ăn cơm tối lúc bảy rưỡi. Đường kêu vẫn còn khó ở, nên ngon miệng mà vẫn không dám ăn nhiều. Đường phải cảm đã năm hôm nay, nghĩa là từ tối thứ tư.
- Đường có ra phố lúc nào không?
- Không. Cũng không muốn đi xi-nê với chúng tôi, sợ cảm lại... Đường nói chuyện vui vẻ lắm, không tỏ ra một dấu hiệu gì khác thường. Anh lại có ý tiếc cái phim không xem tối nay và hẹn nếu thứ ba anh khỏi hẳn sẽ đi xem, Đường vẫn thích xi-nê lắm. Tám rưỡi Huy với tôi đi chơi. Đường còn dặn mua hộ bàn chải răng, phong bì tem và giấy viết cơ mà! Chúng tôi mua xong mới đến rủ anh và Lê Phong đi xem xi-nê...
Cái tên Lê Phong nói lên trong trường hợp này gần thành một lời an ủi. Huy vội bảo Thạc :
- Lê Phong! Ồ giá Phong đừng vội về trước, thì lúc này...
Thạc trầm ngâm nhưng cũng gật đầu :
- Ừ, có Lê Phong ở đây thì... Nhưng chúng ta nên liệu cách xử trí cần hơn: trước hết đi báo tin cho sở cẩm ngay tức khắc. Vì đây là một án mạng.
- Nhưng làm sao lại bị giết? Ừ, sao lại bị ám sát lạ lùng đến thế? Các cậu, các ông... có biết tại sao mà...?
Ông cụ ngơ ngác nói và tìm những lời rời rạc để tỏ sự lo sợ của mình. Bình nhìn ông ái ngại nói :
- Thưa cụ, cụ không nên lo nghĩ nhiều. Chắc hẳn trong đời của anh Đường có những ẩn tình mà ta không biết được. Việc ấy rồi họ sẽ tra xét. Bây giờ cụ cho chúng con biết một điều quan trọng này: từ tám rưỡi đến bây giờ cụ có lên gác lần nào không?
- Không, mà thường nhật tôi cũng chẳng mấy khi lên, tôi già cả lẩm cẩm...
- Tôi tớ nhà này có những ai?
- Có thằng nhỏ, nhưng hôm nay nó sốt, dọn cơm xong nó đi ngủ ngay.
- Anh Huy làm ơn gọi nó dậy. Hãy gượm đã. Cửa dưới nhà đóng chứ?
- Vâng, tôi khóa cửa rồi mới lên.
Bình nghĩ một lát lại hỏi :
- Có ai đến chơi trong lúc anh Huy và anh Thạc đi vắng không?
- Để tôi nhớ lại xem... Không. Hay là chỉ có một người đến gõ cửa hỏi cậu Đường. Một người nói tiếng trọ trẹ.
- Người ấy ăn mặc thế nào?
- Một người con trai bằng trạc Huy, nhưng tôi không rõ mặt, vì tôi cận thị mà người ấy chỉ đứng ngoài.
Thạc hỏi :
- Lúc ấy vào khoảng mấy giờ?
- Có lẽ đã chín rưỡi... Người ấy hỏi hai, ba lần tôi mới hiểu rằng muốn lên chơi với cậu Đường. Tôi nói cả nhà đi vắng rồi, để cậu Đường khỏi phải nói chuyện trong lúc còn mệt... Vả lại tôi chưa từng thấy người kia lên chơi bao giờ, nghe tiếng nói lại khác lạ, và lúc ấy nhà vắng người, đêm hôm...
- Vâng thế rồi sao, xin cụ cho biết ngay.
- Người kia thấy thế chào rồi ra, tôi khóa cửa còn nghe thấy nói mấy câu hình như bằng tiếng Khách thì phải.
Bình vội hỏi :
- Tiếng Khách? Cụ chắc là tiếng Khách chứ?
- Vâng. Hình như thế. Người ấy nói đâu hai, ba câu ngắn mà như nói với người nào đứng đợi gần đấy, nhưng người đứng đợi kia không trả lời. Tôi hơi lấy làm lạ nhưng cũng không nghĩ ngợi gì. Chực trở vào thì cái chìa khóa tôi vừa quay trong ổ rơi xuống đất.
- Sao lại rơi xuống đất?
- Có lẽ tôi khóa cửa xong, vô ý, tay tôi thường run rẩy, lúc kéo về vướng phải nên làm rơi... Tôi vẫn đánh rơi như thế mấy lần rồi nên không để ý.
Huy làm chứng cho câu nói của ông cụ :
- Vâng, thầy tôi tính cẩn thận lắm, nhưng các cụ già thường không được thật tay. Thạc với tôi khi nào gọi cửa đêm mà cụ ra mở thì không bao giờ chúng tôi để cụ phải khóa lại.
Bình nói :
- Cụ chắc chắn là cửa đã khóa chứ?
- Vâng. Tôi nhớ kỹ lắm.
- Còn chiếc chìa khóa rơi?
- Chìa khóa rơi tôi cố tìm thấy ngay, tôi không cắm vào ổ khóa nữa, và để ở trên cái bàn nước gần giường nằm. Vì thế vừa rồi lúc Huy về gọi, tôi cứ chỗ ấy lấy ra mở.
- Ngoài người nói tiếng Khách, còn ai đến nữa không?
- Không.
- Cụ có nghe thấy gì lạ trên gác từ hồi tám rưỡi đến lúc anh Huy về không?
- Không. Chỉ chốt lát mới thấy một tiếng khẽ kéo ghế hoặc bước chân đi lại nhè nhẹ. Nhưng đó là tiếng động thường có, tôi lại quen bước chân cậu Đường lắm... Với lại, ngoài ra thì còn ai lên được gác trong khoảng từ bấy đến giờ?
- Cụ thức cho đến lúc anh Huy về sao?
- Không. Tôi ngủ. Nhưng tôi dễ tỉnh lắm. Nếu có việc gì lạ tôi biết ngay...
Bình thở dài :
- Vậy mà có một sự ghê gớm mới xảy ra...
Anh chợt thấy lỡ lời, nói chữa :
- Vậy mà kẻ giết người cũng tìm được cách khôn khéo lên đây... làm cái việc độc ác của mình, rồi lại ra mà không có một tiếng động nào.
Thạc sau khi cẩn thận đi nhìn các hòm xiểng để ở góc tường, lúc ấy đang chăm chú nhìn trên bàn giấy. Anh là một người minh mẫn và có chí quyết định nhanh.
- Không thể nào hiểu một tí gì trong câu chuyện rắc rối này được, trừ khi là trinh thám rất giỏi, mà cũng chưa chắc đã hiểu ngay. Bàn tính chỉ mất thì giờ vô ích. Vậy các anh nghe lời tôi. Cụ thì xuống dưới nhà, và xin cụ tĩnh tâm. Bình và tôi đi báo sở cẩm hoặc sở liêm phóng ngay đêm nay. Huy đi đánh thức thằng nhỏ và ngồi đợi với cụ ở nhà dưới. Đường bị giết, ta biết làm sao được? Nhưng tôi thề với các anh sẽ hết sức giúp việc tra xét và quyết báo thù cho Đường.
Lúc nói, mặt Thạc tái hẳn đi, vẻ cương quyết lộ ra ở cử chỉ và đôi mắt lạnh lùng sáng lên một cách kỳ dị.
Ra đến ngoài, Thạc hỏi Văn Bình :
- Anh có nhớ những chữ sau cái danh thiếp không?
Văn Bình ngẫm nghĩ :
- Không nhớ rõ. Còn anh?
- Hình như X. A. E. X. I. G. thì phải. Nhưng chẳng sao, chốc nữa họ đến sẽ thấy... Nhưng lạ thực, những chữ ấy nghĩa là gì? Anh đoán được không?
- Đoán thế nào được. Ồ, giá Lê Phong...
- Lê Phong làm sao?
- ... Giá Lê Phong cùng đi chơi với chúng mình...
Một chiếc xe tay phía nhà thương Phú Doãn đi lại, Thạc bảo người phu tìm cái nữa, nhưng Bình chợt nghĩ ra :
- Thế này hơn. Anh đi một mình đến sở mật thám. Tôi thì đến nhà Lê Phong. Vụ bí mật này chưa chắc họ đã tra xét ra được ngay, có thể là một dịp cho Lê Phong trổ tài thêm một lần nữa.
Thạc khen phải, lên chiếc xe bảo kéo tới sở mật thám. Bình gặp một chiếc xe khác, thuê về phố Chợ Hôm.
Sự kinh dị ban đầu đã nguôi. Tuy bao nhiêu bóng tối đặc dày bao phủ lấy cái chết lạ lùng mà Văn Bình vừa trông thấy. Anh biết chắc Lê Phong sẽ ngạc nhiên, sẽ kinh dị nữa cũng nên. Mà có kinh ngạc thì Lê Phong mới thấy cuộc đời có đủ ý vị. Người phóng viên trinh thám ấy ít lâu nay buồn vì phải nghỉ ngơi nhiều quá. Một vài việc lạ lùng cũng có làm anh chú ý thực, nhưng Lê Phong chỉ coi như bài tính dễ làm. Gặp vụ án mạng này thì hẳn Phong không phàn nàn vào đâu được.
Bình dàn xếp xong câu chuyện mà lát nữa mình sẽ kể. Anh sẽ cố diễn cái thiên tiểu thuyết nhỏ buổi tối hôm ấy một cách gọn gàng và có thứ tự; sẽ bắt đầu từ lúc cùng với Phong chia tay ở trước cửa nhà chiếu bóng và dần dần đi tới chỗ xảy ra án mạng và từ lúc trông thấy cái xác chết đến lúc đọc những chữ bí mật sau tấm danh thiếp, câu chuyện sẽ chép theo một điệu kịch liệt đến nỗi Lê Phong cũng phải kêu lên :
- Ồ lạ lùng! Ồ kỳ dị...
Bình xoa hai tay vào với nhau, hưởng trước cái thú làm cho bạn hồi hộp.
Nhà Lê Phong ở phố Huế, gần chợ Hôm, Phong thuê lại gian gác của một ông chủ hiền lành ở ngay nhà dưới.
Bình đẩy cái cổng không bao giờ khóa, theo một lối nhỏ đến cái cửa vào sân sau. Anh giật chuông, thấy không ait rả lời, bèn lần tay mở cái “cửa sổ” mà chỉ có anh với Lê Phong biết. Bình thò tay vào trong rút then rất dễ, lẳng lặng bước vào, đi lên cái cầu thang cuốn, thành thuộc như người trong nhà.
Bình gõ cửa thì có tiếng hỏi ra :
- Bình phải không?
Hơi ngạc nhiên, Bình đáp :
- Phải. Lê Phong vẫn chưa ngủ à?
- Chưa. Cửa mở đấy, đẩy ra mà vào, rồi khép lại cẩn thận.
Trong buồng của Phong chỉ có một ngọn đèn điện nhỏ dưới cái chụp xanh trên giường ngủ. Phong thì ngả người trên chiếc ghế bành lớn, quay lưng về phía ánh sáng. Bình vừa ngồi trên chiếc ghế đệm con thì Phong đã hỏi :
- Chuyện lạ lắm hả?
Bình kinh ngạc, vì đã nói ra câu nào đâu. Phong hỏi luôn :
- Ai đi báo sở cẩm?
Bình càng lấy làm lạ, nhưng cũng cứ đáp :
- Thạc.
Phong gật đầu, im một lát, rồi hỏi nữa :
- Còn Huy?
- Huy ở nhà đợi. Ở nhà dưới. Xác Đường ở trên gác một mình...
Phong mím miệng kéo dài một hơi thuốc lá, ngồi thẳng lên, bấm đèn sáng rồi bảo :
- Bây giờ thì anh kể rành rọt cho tôi nghe.
- Ô hay! Kể gì?
- Câu chuyện án mạng chứ gì?
- Kìa, tôi tưởng anh đã biết.
- Tôi biết thế nào được? Từ lúc đi xem xi-nê với ba anh về, tôi vẫn ngồi ở đây...
- Thế ra... Ồ! Thế sao anh biết là có vụ án mạng?
Phong đủng đỉnh không đáp vội, chỉ hỏi :
- Vụ án mạng nhà Huy, hử? Đường bị giết? Bây giờ đã đến một giờ chưa?
Bình xem đồng hồ tay :
- Kém hai phút. Nhưng sao anh biết là có vụ án mạng?
- Đó là tài nghệ của tôi. Bây giờ đã một giờ, đáng lẽ về ngủ thì anh đến gọi tôi. Trừ khi có việc khác thường không thì khi nào anh lại làm thế? Việc khác thường ở đâu? Tôi hỏi xem ai đi báo sở cẩm, để biết tên cái người ở nơi ấy. Anh bảo cho tôi biết là Thạc. Anh Thạc ở trọ nhà anh Huy, tôi hỏi anh Huy lúc này làm gì thì tự nhiên anh nói đến cái xác của anh Đường ở trên gác một mình. Trong ba câu hỏi vắn tắt, tôi biết cái tin mà anh định đem đến cho tôi dài dòng như một cuốn tiểu thuyết.
- Nhưng tại sao anh biết là dài dòng?
- Vì cử chỉ anh, vì nét mặt thong thả của anh. Đáng lẽ anh gọi tôi bảo: “Lê Phong, Đường bị giết rồi!” thì anh lại dọn giọng như kể một chuyện cổ tích. Vậy mà là thứ cổ tích cần phải kể vội, một việc kỳ dị đã bắt anh phải tìm tôi lúc một giờ đêm... Nhưng thôi, tôi cũng đâm ra dài dòng. Anh chịu khó kể rõ cho tôi biết đi...
Văn Bình cụt hứng nên chỉ kể một cách giản dị, gọn ghẽ, nhưng cũng không bỏ sót một điều quan hệ nào. Lê Phong tỏ ra chăm chú nghe. Lúc kể đến cái danh thiếp với những gạch bằng bút chì, thì Lê Phong ngắt lời :
- Nhà ấy, ngoài ông cụ, Thạc, Huy... còn ai nữa không?
- Còn thằng nhỏ.
- Biết rồi, nhưng đàn bà?
- Còn bà cụ, con sen, nhưng hình như đi vắng cả.
- Đi đâu?
- Đâu như về quê...
- Được rồi. Ông cụ lúc lên có đóng cửa dưới cẩn thận?
- Khóa lại nữa. Nhưng hỏi để làm gì?
- Để biết. Ông cụ cận thị?
- Ừ.
- Thôi thế là đủ. À quên, đèn tên gác bao nhiêu “bougies”?
- Không biết. Nhưng cần gì phải biết....
- Thì đoán phỏng. Liệu sáng bằng đèn nhà tôi không?
- Không. Chỉ độ 40 “bougies” thôi.
Phong đi lại bàn giấy và lắc đầu :
- Tối quá.
- Sao lại tối?
- Tối quá. Anh về nhà báo ngay, bảo người coi “Studio” đưa cái “Contax 1,5” với chiếc “phare” nếu bóng “magnésium” hết.
- Để chụp ảnh?
- Chứ gì! Tôi ngồi viết ngay hai bài tường thuật vắn tắt để cho số báo hôm sau. Ta sẽ đề là: “Một vụ án mạng tuyệt xảo”. Vì quả là một vụ giết người hết sức khôn khéo. Tôi chắc thế. Chốc nữa tôi sẽ phải ngạc nhiên hơn.
Bao giờ Lê Phong cũng nghĩ đến tờ báo của mình trước. Một việc quan trọng chỉ là một dịp cho người phóng viên lợi dụng, cái bản năng trinh thám cũng được mãn nguyện nhưng Phong coi thường thôi.
Bình hỏi :
- Tôi tưởng anh đến ngay bây giờ.
- Để làm gì? Bây giờ Đường chết rồi, mà hung thủ cũng không chờ sẵn đó cho ta bắt. Vả lại, tôi đã có cách làm việc.
- Anh đã ngờ cho ai chưa?
- Ngờ bây giờ thì sớm một chút. Nhưng tôi cũng ngờ rồi.
- Ai?
- Cái người mà ai cũng sẵn lòng ngờ ngay nghĩa là người Thổ đến hỏi Đường lúc chín giờ rưỡi.
- Người Thổ nào?
- Cái người nói mấy câu lo lớ như tiếng Khách ấy mà! Tôi ngờ rằng hắn là một hung thủ quá giảo quyệt hay quá ngớ ngẩn.
- Tôi không hiểu.
- Anh thì hiểu gì được. Đây, anh xem đây. Bức thư của Đường gửi cho tôi hôm qua, nhưng mãi lúc nãy đi xem chiếu bóng về tôi mới có thì giờ đọc đến.
Trong lúc Phong đi mặc quần áo thì Bình giở bức thư ra xem :
“Anh Lê Phong,
Mấy hôm nay tôi bị cảm nên không đến nói cho anh biết một câu chuyện vẫn làm tôi băn khoăn ít lâu nay. Vậy phải viết thư để cầu cứu anh vậy.
Phải. Cầu cứu. Vì tôi không thể vững tâm được, sự lo ngại khiếp sợ mỗi ngày một rõ rệt hơn lên. Việc này chỉ có mình tôi và bây giờ chỉ có tôi với anh biết.
Một tuần lễ nay, tôn được tin Nông Văn Tăng về Hà Nội. Tăng với tôi không có điều gì xích mích, song tôi vẫn gườm hắn, vì hắn là con ông Nông An Bằng, người lý trưởng buôn khí giới lậu bị thầy tôi bắt được ngày trước hồi thầy tôi làm Bố chánh Lạng Sơn. Bằng chết trong lúc chịu khổ hình và sau đó một năm, thầy tôi mất. Người nhà tôi ai cũng nghĩ là bị phép chài của nhà Bằng làm hại. Tôi không tin chắc, nhưng tôi biết cái tính tình dễ mang oán của người Thổ, nên một đôi khi cũng băn khoăn.
Sau này tôi học ở Trung học Bảo Hộ, mấy lần trông thấy Tăng, cùng học một trường nhưng dưới hai lớp. Tôi biết Tăng là con của một người bị thầy tôi bắt; lại nhớ đến chuyện thầy tôi chết và thấy Tăng hay nhìn tôi bằng con mắt thù hằn... Tăng đỗ bằng Thành Chung thì lên làm việc trên Thượng Du ngay và từ đó tôi không nghĩ tới hắn nữa. Nhưng mới rồi, tôi lại thấy hắn về Hà Nội hỏi thăm chỗ ở của tôi và mấy lần muốn giáp mặt tôi. Tôi không biết xử trí ra sao, mỗi ngày một lo ngại hơn lên, vì tôi không thấy vẻ gì là tử tế trên nét mặt của người Thổ ấy. Hắn có học thức, tôi biết, nhưng hắn chịu ảnh hưởng của phong tục sơn dã: cái chết của cha hắn làm cho gia đình hắn đương thịnh vượng hóa nguy khốn... người Thổ đã mang thù, tôi chắc cũng không dễ quên...
Dẫu sao, tôi cũng xin anh để tâm xem xét hộ tôi. Nếu có tiện, phiền anh đến chơi tối hôm nay hay ngày mai, tôi còn nhiều điều muốn nói cho anh hiểu hơn nữa.
Kính thư
Trần Văn Đường
T. B. - Tôi đã biết chỗ ở của Tăng, xin nói cho anh biết: hắn ở trọ nhà ông Lang, số 143 bis, đường Duvillier”.
- Lê Phong!
- Hử?
- 143 bis Duvillier!
- Ừ, thế sao?
- Hay là ta đến ngay đấy xem?
- Để tìm hung thủ phải không? Anh ngây thơ thực! Chỉ giỏi nghĩ những việc vô ích, nếu quả thực Tăng là hung thủ thì hắn trốn mất rồi con gì!
Bình hỏi :
- Bức thư này Đường gửi từ bao giờ?
- Thư viết từ hôm qua, bỏ thùng sáng hôm nay. Dấu điểm thư của nhà dây thép đóng lúc 7 giờ. Đến tòa soạn Thời Thế hồi ba giờ chiều.
- Nhưng anh không đọc ngay?
- Tôi có lệ đến 8 giờ tối mới coi đến thư tín nhận được trong một ngày, lú cđó tôi mớ giở ra đọc cả một lượt. Tối hôm nay chưa kịp đọc đến thư Đường thì Huy và Thạc đến rủ tôi đi xem chiếu bóng.
Phong thở dài một tiếng nhẹ, đến ngồi sau bàn giấy, tay run rum cầm lấy bức thư đọc lại. Đôi mày nhíu xuống, vẻ lo âu hiện rõ trên trán cùng với một nêp nhăn sâu. Một lát, anh se sẽ lắc đầu lẩm bẩm :
- Không! Không hề gì, không hề gì...
- Sao? Không hề gì là thế nào?
- Thư đọc muộn hay sớm Đường cũng vẫn bị giết. Hung thủ có nhiều mưu giỏi lắm... Anh thử nghĩ lại mà coi... Đường chết không có một tiếng kêu, trước khi chết không có một dấu vết chống cự, cửa ngõ đóng cẩn thận, trong nhà một ông cụ tỉnh ngủ, vậy cho đến lúc mắt tôi trông thấy chỗ xảy ra án mạng, tôi vẫn chưa thấy một đầu mối... Bức thư của Đường là một tang chứng tối cần nhưng chưa đủ. Kẻ giết người rất có thể là người Thổ Nông An Tăng được, lại cũng có thể là Huy, là anh, hay có lẽ là tôi...
Bình ngạc nhiên :
- Cái gì? Là anh? Là tôi?
- Chứ sao! Có lẽ là tất cả mọi người, mà có lẽ cũng không là ai cả!
- Tôi không hiểu.
- Phải, cũng hơi khó hiểu. Nhưng không hề gì. Tôi cần phải nghĩ nhiều... Cần phải xếp đặt cẩn thận cách làm việc của tôi theo như sự mách bảo của trực giác... Văn Bình ạ, trong vụ bí mật này, tuy tôi chưa “thấy” một tia sáng nhỏ nào hết, nhưng tôi đã có cái lòng tin rất vững là có trăm điều tỉ mỉ hết sức quan trọng, có những sợ tơ tóc người ta coi là mảnh dẻ quá, hoặc người ta không trông thấy được, nhưng chính nhờ những cái nhỏ nhặt ấy mà ta thành công... Phải rồi, mà ta thế nào cũng thành công.
Đôi mắt Phong chợt sáng lên. Anh trân trọng nhìn bức thư, nhìn những hàng chữ vội vàng, nhưng tâm trí anh để chỗ khác. Vẻ mặt anh lúc đó như phát hiện tinh hoa của năng lực phán đoán. Văn Bình hiểu rằng Phong đã bắt đầu nhận ra một vài sự lạ, một vài điều quan hẹ có thể làm căn cứ cho bao nhiêu cách hành động của anh sau này.
Lê Phong đứng lên, nói một lời mà Bình vẫn có ý chờ, nhưng câu nói của Phong làm cho Bình hết sức ngạc nhiên :
- Văn Bình ạ, tôi vừa chợt nghĩ đến một điều quái gở, một điều không thể tin được, nó vô lý như truyện hoang đường. Hung thủ là ai, tôi sẽ biết. Biết rất chóng nếu chưa có thể nói chắc chắn là biết ngay bây giờ, vì những chứng cớ chưa được rõ ràng lắm. Bây giờ chỉ cần thu nhập tài liệu, cần phải “thử lại bài tính”, mà muốn thế phải biết những câu tiếng Thổ ông cụ nghe thấy là những câu gì. Thế rồi lại phải biết hung thủ làm thế nào vào được trong nhà lên được chỗ làm việc của Đường, và giết Đường một cách khác thường như thế. Từ bước đó trở đi, công việc ta sẽ dễ dàng hơn, và ta cứ giơ tay ra là nắm được cổ hung thủ. Nhưng trước khi đi đến được bước ấy, ta phải hết sức đề phòng.
- Đề phòng gì?
Phong không trả lời ngay. Anh lấy gói thuốc lá ra, rút một điếu ngậm trong miệng, đánh diêm và trước khi châm hút anh se sẽ nói, giọng rất nghiêm trang :
- Ta phải đề phòng. Hung thủ là tay quỷ quyệt hết sức.
- Nhưng hung thủ là ai mới được chứ?
- Anh tò mò quá. Lại bép xép nữa nên tôi không nói.
- Chả có nhẽ anh biết sớm thế?
Phong quắc mắt, nắm lấy tay Bình, mặt có sắc giận :
- Anh định bảo tôi nói vu vơ, tôi đoán bậy hẳn? Ồ! Anh không đúng đắn tí nào. Tôi có nói bậy bao giờ đâu...
- Ừ, thế ai giết Đường? Anh không tin tôi hay sao mà phải giấu tôi?
Phong im lặng một lúc lâu, đoạn nhìn Bình hỏi :
- Anh có hiểu thế nào là pháp thải trừ không?
- Hiểu.
- Nhưng anh không hiểu rõ. Vậy tôi nói anh nghe. Trong số các người ta biết trong vụ án mạng này, ta trừ đi những người không thể giết được Đường là ta biết hung thủ. Ta biết ai? Anh kể ra.
- Huy, Thạc, ông cụ thân sinh ra Huy, thằng nhỏ nhà ông cụ, người lạ mặt ông cụ thấy đến lúc chín giờ tối, tức là người Thổ mà anh Đường vẫn sợ báo thù.
- Còn nữa chứ?
- Còn ai? À! Còn bà cụ thân sinh ra Huy và con Sen, nhưng họ đi về quê ba hôm nay.
- Nhưng vẫn còn, anh kể chưa hết.
- Còn ai?
Phong bình tĩnh nói :
- Còn ông Văn Bình và Lê Phong..
Bình chực cười thì Phong ngăn lại :
- Anh hồ đồ đến thế thì làm nên việc gì? Đã kể thì phải kể hết, vìn còn thải trừ kia mà. Được rồi. Bây giờ ta thải trừ. Anh nói cho tôi nghe những tên người anh không ngờ là có thể giết Đường được. Hay để tôi nói. Trước hết, ông cụ thầy anh Huy. Vì tôi biết ông cụ, nếu muốn giết Đường sẽ dùng những lúc khác ít nguy hiểm cho mình hơn là lúc ở nhà, trong khi mọi người vắng mặt. Vả lại không có cớ gì để cho ông lão hiền lành ấy phạm tội ác được. Lúc nãy anh đã thuật rõ lời ông cụ nói và những cử chỉ sợ hãi. Một kẻ giết người khéo sẽ khôn ngoan và bình tĩnh hơn hoặc run sợ một cách ngoa mắt hơn. Vậy ông cụ ta phải “thả” ra ngoài vòng. Còn Huy anh nghĩ sao?
Bình đáp :
- Huy, cũng như Thạc, cũng như anh và tôi, đều đi xem xi-nê cả.
- Xi-nê ở rạp Majestic. Nghĩa là muốn giết thì tôi, hoặc anh, hoặc hai anh kia phải vắng mặt ở đó ít nhất nửa giờ hay hơn, vậy mà chúng ta cùng ngồi với nhau, tôi ngồi giữa Thạc và Huy, anh ngồi bên phải Thạc, có đứng lên ra ngoài cũng chỉ vắng mặt mất ba phút là cùng.
- Kết luận: Bình, Thạc, Phong, Huy cùng ra ngoài cùng. Còn thằng nhỏ...
- Thằng nhỏ là một thằng ngốc, đến ăn cắp cũng không biết đường. Tôi nuôi nó trước khi nhường cho ông cụ nhà Huy. Nó đần nhưng trung thành, hầu hạ giỏi.
- Vậy cũng ra ngoài vòng nốt. Bằng ấy người ở ngoài vòng, thì chỉ còn một người khác phải không?
Lê Phong gật.
- Mà người khác ấy là người Thổ...
Phong lại gật. Bình nói tiếp luôn :
- Người Thổ ấy tức là người giết Đường.
Phong lắc đầu :
- Không!
- Thế nào? Chỉ còn người Thổ này mà anh cũng không cho là hung thủ? Thế những câu tiếng Thổ, với bao nhiêu cử chỉ khả nghi của hắn lúc ông cụ mở cửa...
Phong vẫn một mực :
- Nếu hắn là hung thủ tất hắn đã trốn.
- Sao anh lại biết hắn chưa trốn?
- Thế ra tôi phải cung khai với anh hết. Anh đáo để thực. Sao? Vì hồi mười giờ rưỡi hắn đến đây...
- Đến lúc anh không có nhà?
- Ừ. Hắn lại để cho tôi mấy chữ này.
Phong mở ví lấy ra một cái danh thiếp to khổ thì Bình đã kêu :
- Cũng một kiểu danh thiếp trên cuốn sách nhà Đường!
- Ừ, thì đã sao?
- Mà trên danh thiếp ấy có những chữ kỳ dị..
Phong không đổi giọng :
- Những chữ cái lấy trong văn vần Quốc ngữ hay Pháp ngữ, chữ kỳ dị ở chỗ nào? Có phải những chữ X. A. E. X. G. I phải không?
- Phải, tôi không nhớ rõ thứ tự đúng như trên danh thiếp, nhưng chỉ có bằng ấy chữ thôi.
- Ừ, thế rồi sao?
- Còn sao? Đây cũng cùng một khổ với cái danh thiếp ở trước mặt Đường.
- Nhưng anh đọc xem đã nào.
Bình cầm lấy mảnh thiếp Phong đưa và đọc.
Nông An Tăng
Muốn giáp mặt ông Lê Phong để hỏi về một việc tối cần, nhưng không gặp thì xin để đến mai vậy.
Phong nói :
- Tăng đến đây hồi mười giờ rưỡi, nghĩa là vào lúc Đường có thể bị giết rồi. Một kẻ giết người liệu dám đến để “giáp mặt” tôi được không?
Bình cãi :
- Sao không? Một tên giết người quỷ quyệt thì sợ gì anh! Mà biết đâu hắn không đến để thú tội?
- Tôi không phải là nhà “chuyên trách”, muốn thú tội, ở chỗ khác vẫn tiện hơn đây... Vả lại... Nhưng thôi, nếu anh chưa tin, tí nữa tôi cho anh gặp hắn.
Bình tròn xoe mắt, hỏi :
- Ai? Tăng ấy à?
- Ừ.
- Mà tí nữa gặp?
- Phải.
- Ở đâu?
- Ở đây. Tôi đã cho người đi tìm hắn rồi, tìm từ lúc tôi chưa biết rằng Đường bị giết. Nếu hắn là hung thủ thì...
Bỗng Phong lắng tay nghe. Một lát, có tiếng chuông kêu rồi tiếng giày lên thang gác. Phong đưa mắt cho Bình giữ ý, rồi cất bức thư của Đường đi.
Sau tiếng gõ cửa, một người trẻ tuổi mặc Âu phục xám bước vào. Hắn ta trạc gần ba mươi, nét mặt đều, da hơi ngăm đen, hai con mắt nhỏ và sâu chớp luôn, và có vẻ lanh lẹ. Phong đứng dậy, tiến đến phía cửa là chỗ hắn đứng, nhìn hắn một lát rồi hỏi đột ngột :
- Sao ông Tăng lại biết tôi là bạn của Đường?
Người kia sững sờ đưa mắt trông Lê Phong và trông Văn Bình, rồi trông khắp nhà một lượt. Hắn có vẻ luống cuống, mãi sau mới nói :
- Có nhiều người bảo tôi Đường là bạn của ông...
Câu nói sõi nhưng người ta vẫn thấy những tiếng lơ lớ giọng Thổ.
Phong hỏi luôn :
- Ông xuống Hà Nội mấy hôm nay rồi?
- Xuống năm hôm. Mai tôi không ở đây nữa. Chiều mai tôi đi Lạng Sơn...
- Ông hỏi thăm biết nhà ông Đường từ mấy hôm nay?
- Từ hôm kia...
- Ông biết tin ông Đường ốm rồi chứ?
- Biết.
Phong nhìn vào tận mặt toan hỏi nữa, nhưng anh bỗng quay lại lườm Văn Bình. Anh cau mặt vì thấy Văn Bình tỏ ra vẻ thù ghét người Thổ một cách rõ ràng quá. Phong lui về phía bàn giấy, thong thả kéo ghế đưa thuốc lá mời người Thổ và bảo hắn ngồi. Người này ngẩn ngơ theo lời, ngồi, đỡ lấy que diêm Phong vừa bật.
Nửa phút im lặng, trong đó Bình đóan Lê Phong đương dò xét vẻ mặt và cử chỉ người đối diện với mình.
- Ông nhớ rõ những thì giờ của ông dùng trong khoảng chín giờ đến giờ chứ?
Người Thổ nhìn Phong một cái nhanh, rồi vừa trông xuống vừa đáp :
- Vâng. Nhớ. Lúc mười giờ hơn, tôi đến đây...
- Để hỏi tôi. Tôi biết. Việc đó sẽ nói sau. Bây giờ ông phải nghe tôi. Tí nữa, ông đến 44 bis Richaud với tôi.
- Đến... nhà ông... Đường à?
- Phải. Và ông phải trả lời rất thực thà - rất thực thà, không được giấu diếm một tí gì hết, - ông nghe chưa?
Người Thổ bắt đầu lo ngại, hắn ta vừa mới hỏi :
- Nhưng mà...
Thì Phong đưa tay cản lại và luôn thể trông đồng hồ :
- Chỉ có cách ấy là ông tránh khỏi tù tội. Đường đã cho tôi biết hết mọi việc, và chắc người ta còn tìm ra nhiều điều buộc tội ông nữa sau khi xét giấy má của Đường.
Người Thổ lúc ấy không giấu nỗi sự sợ hãi. Hắn ta liếc trộm Lê Phong và VP luôn mấy lượt, lẩm bẩm hỏi không ra tiếng :
- Thế ra, người ta biết rồi sao?
- Phải, cho nên ông không được nói dối, ông phải khai thực. Ông đã biết Đường bị giết rồi chứ?
Phong nhìn chỗ khác khi hỏi câu đó, nhưng lúc trông lại thì mặt người Thổ đờ ra. Miệng hắn ta mở hé như chực nói gì, hai ngón tay cầm điếu thuốc kẹp chặt lại nhau để cố giữ bình tĩnh. Thái độ ấy chỉ thoáng lộ ra trong chốc lát, nhưng Văn Bình không để lọt qua sự nhận xét chăm chú của mình.
Phong nói luôn, làm như không chú ý đến nét mặt thay đổi của người Thổ :
- Ông Tăng hiểu rõ chứ? Đêm hôm nay ông Đường bị giết một cách bí mật, mà có nhiều chứng cớ buộc cho ông là hung thủ. Tôi thì nhận được một bức thư gần như thư tố cáo, mà người nhà ở phố Richaud thì nghe thấy những tiếng Thổ khả nghi...
- Nhưng mà... thưa ông Lê Phong, tôi không giết Đường... Đường chết chỉ vì...
- Chỉ vì Đường bị giết. Không! Không thể cãi lối ấy được. Muốn bênh vực mình, ông chỉ có cách nghe tôi mà cùng đến Richaud với tôi ngay bây giờ...
- Đến Richaud, bây giờ?
- Phải, nếu ông quả thực không phải là thủ phạm.
Phong xem đồng hồ lần nữa rồi, vừa nói vừa đứng lên.
- Hiện giờ, trong nhà xảy ra vụ án mạng người ta đã bắt đầu cuộc thẩm xét, ông thanh tra mật thám tôi đã biết tiếng là người cương quyết: ông có tài bắt người ta thú nhận tội một cách rất khôn khéo... Vậy, ông phải đi ngay với tôi - đi với tôi, ông hiểu chưa? Và ông phải nhớ không được giấu diếm một sợi tơ sợi tóc nào hết.
Người Thổ không nói gì cả. Hắn ngẫm nghĩ đến một phút mới thong thả đứng dậy. Nét mặt đã trấn tĩnh, hắn se sẽ bảo Lê Phong :
- Tôi xin đi với ông.
Và lẳng lặng bước ra trước.
Bình theo liền gót hắn. Phong quay lại gọi thằng Biên là tên đầy tớ “tâm phúc”, anh sai đi gọi người Thổ lúc nãy, hỏi nó mấy câu rồi cũng xuống sau.
Người Thổ ra đến ngoài, trỏ chiếc xe hơi nhỏ bên đường :
- Xin mời ông lên xe tôi...
Bình nghi ngờ :
- Xe của ông sao?
- Vâng.. Nhưng tôi cảm động bối rối quá. Nếu ông hay ông Lê Phong cầm lái được...
Bình nhanh nhẩu :
- Để tôi cầm lái cho.
Anh vừa chực mở cửa xe thì người Thổ, xuất kỳ bất ý, vặn ngoặt cánh tay anh lại, đấm một nắm tay dữ dội dưới gáy, và nhảy tót lên chỗ ngồi. Bình lấy lại được thăng bằng hết sức víu lấy không cho hắn mở máy, và gọi rối rít :
- Lê Phong! Lê Phong!
Người Thổ tống thêm cho Bình một quả dưới cằm, thì vừa lúc Phong xông đến. Nhưng Phong vội kêu lên một tiếng, lùi lại giữ lấy một bên mắt: người Thổ vừa ném mẩu thuốc lá đang cháy hắn vẫn ngậm ở miệng vào trúng con mắt của anh.
Bình loạng choạng cố đứng dậy được thì chiếc xe hơi đã chạy xa, và rẽ về đường tay phải.
Phong tay vẫn úp trên mặt hỏi thăm :
- Văn Bình không việc gì chứ?
- Chỉ trẹo hàm. Còn anh?
- Chỉ suýt mù. Nó trả lại tôi điếu thuốc lá tôi mời lúc nãy.
Anh lấy khăn chấm mắt, chớp đi chớp lại rồi cười :
- Võ Thượng du đấy! Tôi chỉ tiếc ra chậm một chút, không thì...
Bình vừa sửa lại áo, vừa trách Phong :
- Đấy, anh còn bênh nó nữa đi. Cũng may là nó không có khí giới đấy.
Phong vẫn cười, có vẻ thấy việc vừa rồi khôi hài hơn là nghiêm trọng. Anh vẫy hai cái xe ở cuối phố đến rồi bảo Bình :
- Đi.
- Đi đâu?
- Đến Hàng Trống?
- Sao lại đến Hàng Trống?
- Đến kiện một tên Thổ và nhờ cảnh sát đánh tê-lê-phôn đi các ngả. Đánh tê-lê-phôn lấy lệ, chứ không chắc đã có ích. Rồi sau ta đến Richaud.
- Nhưng anh có nhận được số xe nó không?
- A. X. 332. Nhưng chưa chắc đã có ích.
- Sao vậy?
- Nó không để cho ai bắt được trước bảy hôm nữa...
- Sao vậy?
- Vì... số định như vậy: bảy hôm nữa là chậm, tôi sẽ bắt được nó để báo thù cho cái quai hàm lệch lạc của anh và con mắt suýt mù của tôi.
- Lúc này mà anh còn nói đùa.
- Kìa, ai nói đùa. Bảy hôm nữa, tôi sẽ tóm cổ người bạn lạ lùng của chúng ta.
Sau khi trình qua sở cảnh sát Hàng Trống về việc “hành hung của một người Thổ lạ mặt” và nhờ họ đi lùng bắt ngay chiếc xe A. X. 332, Lê Phong nhân tiện mượn tê-lê-phôn gọi về báo Thời Thế. Anh dặn người túc trực ở tòa soạn bảo thợ in ở lại cho đến sáng để in thêm hai trang báo về vụ án mạng ở phố Richaud; bài tường thuật vắn tắt, thì anh đọc ứng khẩu những đoạn cần cho người quen viết lại; anh cũng không quên bảo “gửi đến” cho anh ngay một cái máy ảnh, các thứ cần để chụp tối, và một người phóng viên.
Dặn dò xong, anh bảo Văn Bình :
- Sở cảnh sát không tìm được người Thổ của ta, nhưng cũng có ích cho tôi chút đỉnh... Thôi thế bây giờ đến Richaud thì vừa.
Phố vắng im. Một bên là khu nhà thương tối và âm thầm sau dãy tường thấp. Một bên là dãy nhà tĩnh mịch ẩn hiện trong bóng cây và ánh sáng không đều.
Trước cửa nhà 44 bis, ô-tô của sở phóng liêm đỗ sát lề đường. Một chiếc xe đạp ghé bên cạnh. Khắp nhà đèn mở sáng. Trên gác có bóng người đi lại thấp thoáng cùng những tiếng hỏi, nói xì xào. Cửa nhà dưới mở nửa chừng, một người quần áo cộc trắng ló ra. Đó là người phụ mật thám.
Phong không quen, nhưng cũng lại đưa tay cho người ấy bắt. Anh thân mật hỏi :
- Ông đứng gác dưới này?
- Phải.
- Ông Mai Trung đã đến lâu chưa?
- Được nửa giỡ rồi. Ông ấy đang hỏi ông cụ chủ.
- À, hỏi cụ Lương. Họ ở cả trên gác?
- Phải.
- Thế thì chúng tôi phải lên ngay.
Người mật thám muốn ngăn, nhưng Lê Phong tươi cười để tăng thêm sự thân mật vào cái bắt tay lúc nãy :
- Tôi biết.... Cấm không cho người ngoài được lên gác. Nhưng không hề gì. Chúng tôi có phải là người ngoài đâu. Ông Bình là một người làm chứng tối cần. Còn tôi, ông Mai Trung biết đã lâu... Tôi là phái viên một tờ báo lớn: báo Thời Thế.
Rồi anh từ tốn nhưng thẳng thắn bước vào, dáng điệu bình tĩnh và dễ dàng như làm một việc rất hợp lý. Anh vừa lên bực thang vừa cười bảo Văn Bình :
- Các nhà chuyên trách gà mờ thực. Nhưng thế được việc cho mình hơn. Anh phải nhớ rằng người ta có hỏi thì chỉ nói những điều trông thấy trong nhà này thôi. Còn việc ở nhà tôi, anh phải để tôi nói. Anh hay vô ý lắm, hỏng việc của tôi mất...
Phong bước rất nhẹ, ra hiệu cho Văn Bình cũng bước vào như thế, rồi lại nói khẽ vào tai Bình :
- Ông Mai Trung hẳn đang lấy làm lạ rằng bạn Lê Phong sao bây giờ chưa đến... Nhưng tí nữa thì ông sẽ phải nổi tam bành.
Mai Trung làm thanh tra mật thám ở sở liêm phóng. Ông ta là người rất mẫn cán, thường lập được nhiều công trạng trong mấy năm gần đây. Ông thành công vì kiên tâm, vì chịu đem hết mưu mẹo “kinh điển” trong khoa do thám ra thực hành, nhưng cũng vì nhờ có những tai mắt của ông ở khắp nơi, tức là những người “điểm chỉ” rất lanh lợi.
Phong cũng nhận rằng ông thạo việc song không phục. Phong thấy người Thanh tra mật thám ấy không có trí xướng xuất, ít tưởng tượng, suy nghĩ kỹ nhưng chậm, và vì thế khi lầm lạc thì lầm lạc rất xa.
Cũng như ông F. Letout, ông Mai Trung không ưa Lê Phong mấy. Vì người phóng viên này hay “chõ” vào những việc ông đang tra xét. Điều đó không đáng trách lắm, nhưng Phong lại hay khám phá “giúp” ông những cái bí mật mà ông không tìm ra, hay tìm được ra sau hai, ba năm công phu, trong lúc đó kẻ bị oan vẫn phải chịu thay cho thủ phạm.
Phong biết rằng lần này sẽ lại bị nhà “thám tử” nhìn bằng con mắt không hiền lành, và đã có sẵn những lời rất lễ phép, rất mỉa mai để trêu ông ta, nhất là để viết lại trong những bài tường thuật. Bình cũng biết thế. Anh mỉm cười khi cả hai cùng tiến lên khung cửa gác và cùng đợi lúc trông thấy đôi lông mày cau có của Mai Trung.
Nhưng cả hai cùng ngạc nhiên. Ông thanh tra mật thám đổi ngay ra mặt vui tươi đến đón Lê Phong vồn vã mời vào :
- Kìa, ông Lê Phong, ông Văn Bình! Nhà báo sao đến chậm thế?
Phong đáp trả miếng :
- Vì chúng tôi đã mạn phép ông thanh tra mật thám điều tra từ lúc nãy. Điều tra ở chung quanh vụ này...
Mai Trung vẫn không thay đổi sắc mặt :
- Ố ồ thế thì giỏi quá nhỉ!
- Để mong có thể giúp đỡ ông thanh tra một tay nho nhỏ...
- Cám ơn ông Lê Phong lắm, nhưng phiền một nỗi tôi đã có một ông bạn khác cũng muốn đỡ một tay...
Rồi Mai Trung quay vào, thủng thỉnh đến bên người lạ mặt đứng giữa nhà, cạnh cái xác chết, lúc ấy đang nhìn Lê Phong một cách tò mò yên lặng.
Phong mở to mắt, reo lên một tiếng và xăm xăm bước vào.
Tiếng kêu của Lê Phong là một tiếng reo mừng. Anh hớn hở như người tìm được của báu. Phong lại gần người lạ mặt tươi cười nói :
- Thế này thì thủ phạm có trốn đi đàng trời!
Sự vui vẻ của anh hơi quá ồn ào và tương phản hẳn với lúc nghiêm trọng lạnh lẽo. Đôi mắt chăm chú của người kia vẫn lẳng lặng nhìn những cử chỉ lanh lẹ của Phong. Anh vẫn cười, nhận lấy sự quan sát kia như đứa trẻ có bộ cánh đẹp, và nhắc lại câu vừa mới nói :
- Thủ phạm trốn đằng trời!
Người lạ mặt lúc ấy mới hơi mỉm miệng hỏi khẽ Phong :
- Ông Lê Phong sao biết sớm thế?
Phong vui vẻ nhưng kính cẩn :
- Vì tôi được gặp ông...
- Sự gặp gỡ của ta có những phép thần thông gì mà...
- Không có phép thần thông, nhưng có tài lực của sự công tác. Tôi không dám nói là được cái vinh dự cộng tác với một tay trinh thám rất sắc sảo của nước Nam, vì từ phút này công việc của tôi chỉ là chỉ là công việc dễ dàng của một người làm báo. Tôi chỉ xin là một phóng viên chứng kiến và tường thuật kỳ công của các bậc kỳ tài mà tôi phục... Bậc kỳ tài ấy, (Phong ngả đầu trước người lạ mặt) khi đi đôi cùng bậc quyền thế (Phong nhìn sang phía ông thanh tra mật thám) sẽ thành một sức mạnh lạ lùng. Trí khôn cộng tác với lực lượng! Bởi thế tôi mới nói rằng kẻ giết người dẫu quỷ quyệt đến đâu cũng không thoát khỏi lưới trời...
Đoạn văn kiểu cách ấy Phong nói được rất tự nhiên và giọng nói không để lộ một vẻ gì là mai mỉa... Phong ngừng lại thì đôi mắt anh đã có đủ thì giờ mà nhận hết mọi người mọi vật trong nhà.
Người đàn ông ban đầu đối lãnh đạm với người phóng viên đến lúc đó cũng trở nên có cảm tình với anh. Ông ta hỏi Phong một cách thân thiện :
- Vậy ông Lê Phong cũng nhận hung thủ là một tay ghê gớm?
- Hơn thế, là một người trí thức nữa kia! Kẻ trí thức mà gian ác thì đáng lo sợ hơn nhiều. Nhưng có hạng gian ác ấy thì lại có tay đối thủ xứng đáng, tức là ông Kỳ Phương mà tôi đã hầu chuyện đêm nay đây.
Hai tiếng Kỳ Phương khiến mọi cái đầu đều nhìn dồn về phía người lạ. Không ai để ý đến Đường nữa. Cái xác chết chỉ như một người ngồi yên trong cuộc hội họp ở nhà này.
Văn Bình kéo tay Lê Phong hỏi, nhưng anh không đáp. Còn Mai Trung thì không dấu được sự ngạc nhiên :
- Kỳ Phương? Ông vừa nói ông này là ông Kỳ Phương à?
Phong gật :
- Vâng. Một người bí mật có đủ các tên và các hình thể. Là Kiều Phong khi tra xét vụ án mạng tỉnh Thanh hai năm về trước, là Kiếm Pháp khi tìm được kho của nhà họ Hoàng, là Phương Kiều khi bắt được năm tên hung đồ giết cô Liên ở Thái Bình và hồi giúp ty mật thám ở Sài Gòn tìm sào huyệt của tụi Năm Chơi thì ông lấy tên Kính Phiệt.
Người lạ mặt mỉm cười, đặt hai tay thân thiện lên vai Lê Phong ôn tồn nói :
- Chẳng ai dấu nổi ông Lê Phong điều gì hết... Duy có một điều... có lẽ ông quên.
- Không, tôi chưa nói hết. Ngày 30 tháng 8 năm ngoái, một vụ án mạng làm náo động dư luận ở Vinh, hung thủ không ai tìm được ra thì có người gửi cho tôi một bức thư bảo đến chỗ vắng sau nhà thương Thái Bình sẽ rõ; tôi đến, thấy một người bị trói, và thú nhận là hung thủ. Bức thư ký hai chữ tắt K. P. Nhưng xét kỹ ra thì lần ấy ông K. P. bắt lầm, hung thủ tự tử rồi, khi tôi viện được đủ chứng chớ, thì lại nhận được bức thư thứ hai ông K. P cải chính cái lầm trước.
Người lạ mặt cười :
- Lầm mà biết được là lầm, đó là đức tính cốt yếu của chúng ta.
Phong thêm :
- Mà biết nhận ngay cái lầm, là một sự can đảm... Nhưng chuyện đó không còn liên lạc gì đến vụ án mạng này.
Rồi ông ngoảnh lại nói với ông Mai Trung :
- Hẳn bây giờ thì ông thanh tra không ngạc nhiên về sự chúng tôi quen biết nhau nữa. Quen tên, biết tiếng thôi, vì bây giờ tôi mới được gặp mặt ông Kỳ Phương.
- Tôi cũng vậy.
Mai Trung nói đoạn, cắt nghĩa cho Phong biết rằng buổi sáng hôm ấy một người đến chơi giới thiệu với ông một chàng trai trẻ tuổi tên là Kỳ Pháp. Kỳ Pháp ngỏ ý muốn đem tài trí giúp ông Mai Trung. Ông nhận lời vì ông vẫn mến những người hữu chí. Ông có ý đợi dịp thử tài người trẻ tuổi thì ngay tối hôm nay xảy ra vụ án mạng ở nhà này. Mấy câu thẩm vấn ban đầu đã tỏ cho ông biết Kỳ Pháp là người thông minh khác thường, khiến ông yêu tài ngay, nhưng điều ông không ngờ là bực kỳ tài ấy lại chính là nhà trinh thám bí mật Kỳ Phương mà nhiều người vẫn nói đến.
Mai Trung cám ơn Lê Phong đã cho ông biết danh hiệu thực của người giúp ông khám phá vụ án mạng này. Trong giọng nói và trên vẻ mặt của viên thanh tra, Phong biết rằng sự mừng rỡ của ông ta cũng rất chân thực.
- Tôi thực không ngờ (lời ông Mai Trung) lại gặp may đến thế. Nếu không có ông Kỳ Pháp tức Kỳ Phương ở đây, có lẽ vụ này lại phải đến ông Lê Phong mới tìm ra manh mối... Vì từ xưa đến nay, ở Bắc Kỳ có việc bí mật nào mà ông Lê Phong phóng viên trinh thám chẳng tìm ra trước sở liêm phóng?
Phong hiểu ngay giọng mai mỉa trong câu nói nhũn nhặn đó. Anh chỉ mỉm cười. Vì trong sự mai mỉa của viên thanh tra, có cả sự oán trách ngầm ngấm.
Anh nhớ lại bao nhiêu lúc chạm trán với “người thám tử nhà nước” ấy cùng với bao nhiêu cuộc đắc thắng vẻ vang của mình. Mai Trung thường kinh ngạc về cách luận đoán, rất nhanh chóng và cách hành động rất khôn khéo của Phong, và một đôi khi bắt buộc phải dẹp lòng tự ái nhà nghề, ông ta đem việc khó đến nói chuyện với Phong, như một người đưa tin tức đến cho nhà báo. Phong rất nhã nhặn tiếp đãi, và bày cho Mai Trung biết những ý kiến anh. Song không bao giờ Phong bỏ lỡ những cơ hội hiếm có ấy. Anh nhờ những tin tức và tài liệu mà chính Mai Trung đưa đến, điều tra cẩn thận và tức khắc viết bài đăng lên Thời Thế trong lúc Mai Trung theo phương pháp của anh còn đang dò dẫm tìm tòi...
Mai Trung vì vậy vẫn gờm Lê Phong và coi anh như một cừu địch. Một cừu địch giỏi hơn ông ta những mấy bực, và mỗi cuộc đắc thắng của Phong là thêm một điều căm tức cho ông ta.
Phong vẫn biết vậy, và lại biết thêm rằng không ai nhiệt thành hơn Mai Trung để mong cho anh thất bại. Nhờ một người giúp đỡ, Mai Trung hẳn cũng có cái ý muốn kín đáo đánh bại được Phong lần này. Nay lại thấy người guíp đỡ ấy lại chính là Kỳ Phương, một bưc. anh tài lỗi lạc ẩn danh và có phần sắc sảo hơn cả Phong. Mai Trung hẳn được dịp coi thường cái anh chàng nhà báo tự phụ và đáng ghét ấy.
Phong đưa mắt nhìn khắp phòng và soát lại một lượt nữa những điều anh đã có thì giờ quan sát. Thấy Kỳ Phương trở lại chỗ ngồi để tiếp theo cuộc thẩm vấn bỏ dở, anh hỏi Mai Trung :
- Hai ông đã hỏi đến ai rồi?
Trung đáp lửng lơ :
- Gần xong cả rồi.
- Đáng tiếc nhỉ, tôi đến chậm thành thử bỏ mất đoạn hay nhất bài tường thuật..
- Tường thuật sao?
- Cho báo Thời Thế ngày mai... Nhưng không hề gì, các ông cho biết sau cũng được.
Phong đã để ý cái xác chết từ lúc mới vào, nhưng cũng hỏi :
- Con dao các ông đã xem xét kỹ đó chứ?
- Cái đó đã hẳn.
- Dao của hung thủ đem đến hay dao của người trong nhà?
Kỳ Phương mỉm cười :
- Ông Lê Phong hỏi một câu thừa, vì ông cũng biết như chúng tôi rằng người An Nam không ai dùng thứ dao ấy, và khi một vật khác thường như thế đến cắm trên lưng một người chết ở đây thì tất nhiên...
- Tất nhiên người ấy không phải là người nhà. Vâng, nhưng hung thủ...
- Hung thủ là ai, là hạng người nào, tôi xin nói sau khi hỏi cụ nhà này mấy câu nữa.
Kỳ Phương quay lại hỏi ông cụ :
- Cụ có nghe những câu nói trọ trẹ nhưng không hiểu nghĩa?
- Vâng.
- Mà cũng không nhận được là thứ tiếng gì?
Phong toan nói ngay là tiếng Thổ, nhưng anh đưa mắt cho Văn Bình bảo im, để xem cách làm việc của Kỳ Phương. Ông cụ chưa kịp đáp thì Phương bảo :
- Cụ không nhận được, song hẳn cụ đã nghe một lần, tất phải nhớ lại... Vậy cụ để ý đến bằng này câu xem.. Tôi xin rành rẽ đọc từng câu, mỗi câu theo một thứ thổ âm khác :
- “Ngổ dẩu mạt yể chồi cô?” Có giống câu nói lúc nãy không? Đó là tiếng Khách.
Ông cụ lắc đầu :
- Không.
- Vậy cụ nghe câu khác:“Cố nhả tệt chơu hmồng hứng...” Đó là tiếng Mèo.
- Hơi giống, hình như..
- Hay cụ nghe câu này: “Bản mừ quây lai mí? Mí quây lai? Thì pây...”
Mặt ông cụ bỗng tươi lên, ông vội nói :
- Vâng, chính cái giọng nói vừa rồi giống nhất.
Phương thở dài một tiếng, ngửng lên bảo mọi người.
- Vậy người đứng ngoài đường sau khi gọi cửa chính là một người Thổ. Vì câu vừa rồi tôi nói là câu tiếng Thổ. Ông Lê Phong nghĩ sao?
Phong nghiêm trang đáp :
- Tôi nghĩ rằng từ xưa đến nay không ai có một thiên năng sắc sảo đến thế. Cũng không mấy ai có những phương pháp tài tình, giản dị và đáng phục hơn. Vâng, quả là một người Thổ, một người Thổ nếu không là hung thủ thì cũng là một người rất trọng yếu trong vụ này.
Mai Trung cười :
- Nếu không là hung thủ?... Còn “nếu” gì nữa? Chứng cớ ngay trước mắt kia chứ đâu?
Phương gật đầu, ôn tồn nửa như bảo mình, nửa như nói với Phong :
- Phải, có nhiều chứng cớ tỏ ra rằng kẻ giết người là người Thổ. Thí dụ, con dao chuôi gỗ bịt bạc, dùng làm khí giới giết Đường với một mảnh giấy chúng tôi đã tìm thấy trong túi áo người chết...
Phong vội hỏi :
- Mảnh giấy nào?
Phương trỏ vào cuốn sổ cầm tay :
- Mảnh giấy tôi giữ đây: Trên mảnh giấy có một hàng chữ vội vàng không có nghĩa gì, nhưng đến bây giờ tôi đã hiểu.
Phong cầm lên đọc :
- Hắn đang xuống Hà Nội, Điềm He... 143 bis D
Anh chau mày lẩm bẩm :
- Vậy ra... chính là người Thổ thực sao? Ồ! Lạ lùng! Chính người Thổ... Hừ!..
Tiếng cười của Mai Trung vừa ngạo mạn vừa khiêu khích :
- Ông Lê Phong có lẽ tìm ra thủ phạm ở bọn người Mèo chắc?
Nhưng Phương nhã nhặn hơn, chỉ thong thả nói :
- Chính người Thổ này là hung thủ đó. Người Thổ giết Ông Đường hẳn vì có thâm thù và dự định tội ác của hắn đã lâu, mà việc dự định ấy ông Đường hình như cũng biết nên vẫn có ý lo. “Hắn” đây tức là kẻ thù ông Đường. “Điềm He” là tên một châu ở Lạng Sơn, còn "143 bis D" hẳn là chỗ trọ của người Thổ ở Hà Nội.
Hàm răng trên cắn lấy môi dưới, Phong nhìn dán lên mảnh giấy đến hơn một phút, đôi mày chau lại một cách giận dữ, trước bộ mặt khoan khoái của Mai Trung. Anh bỗng cười gằn lên một tiếng dị kỳ ngoảnh lại gọi Văn Bình :
- Văn Bình! Văn Bình! Kìa Văn Bình!
Sự ngạc nhiên khiến Bình chậm đáp :
- Anh Bình, anh lại đây!
Mắt Phong sáng quắc, tay anh nắm lại, run như chiếc lá đầu gió. Anh có vẻ căm tức không thể nín được, anh nhắc lại tiếng gọi lúc nãy, giọng nghẹn ngào :
- Anh Văn Bình!
- Thì tôi đây mà.
- Anh đến đây! Bình cầm tay tôi đây, nhìn thẳng vào mặt tôi, nhìn kỹ, anh nghe chưa!
- Nghe..
- Rồi anh bảo thực cho tôi biết, anh nghe chưa?
- Ừ, bảo gì?
- Tôi vẫn bình tĩnh như thường phải không?
- Kìa, thế nghĩa là thế nào?
- Nghĩa là tôi không điên chứ?
Thái độ của Lê Phong không ai hiểu được.
Anh cũng không để ý đến ai hết, cứ nắm chặt lấy Bình, nghiến răng hỏi :
- Thế nào? Tôi không điên chứ? Anh nói đi, tôi có điên không?
Bình khó chịu hết sức, nhưng cũng đáp :
- Nhưng mà... anh...
Phong dữ tợn gắt :
- Nhưng mà làm sao? Tôi có điên không? Tôi thì tôi bảo anh rằng người Thổ không giết người, không giết Đường... Nhưng người Thổ cứ giết. Người Thổ để lại các tang chứng tôi không thể cãi thế nào được! Không những thế tất cả sự thông minh trên thế giới này, chung đúc ở trong một người tôi tin và tôi phục là ông Kỳ Phương đây, cũng nhận rằng tên Thổ là thủ phạm, chín tên Thổ kỳ quái ấy là thủ phạm! Mà nhận một cách rất có lý... Còn tôi thì không thấy thế hay chưa thấy thế. Vậy anh phải nói cho tôi biết ngay tôi điên hay không điên. Tôi điên không? Nói đi!
Giọng anh run lên, và tiếng nói như quát!
Bình không thể nào nhịn được. Anh vừa tức vừa ngượng, cũng gắt lại :
- Thế thì anh điên rồi còn gì?
Bỗng Phong dịu hẳn mặt xuống cười, và cười một cách vui vẻ hiền lành :
- Hì! Không! Lê Phong chẳng điên đâu: mà cũng chẳng ai điên hết. Ông Mai Trung không nên chế riễu vội, vì ông Kỳ Phương chắc đã hiểu ý nghĩ của tôi... hiểu chóng hơn ông Mai Trung nhiều, và ông Phương chắc cũng nhận với tôi ngay lúc này rằng đây là vụ án mạng bí hiểm vô cùng, chứ không phải giản dị đến thế... Phải, trong vụ này tên Thổ là một vai hết sức trọng yếu, hết sức bí mật, cần phải bắt hắn cho bằng được, có phải không?
Phong không để ai trả lời :
- Bắt được hắn tức là tìm được sự bí mật, tức là thấy hắn ghê gớm hay ngu ngốc, quỷ quyệt hay hiền từ... Phải tên Thổ dị kỳ tên là Nông An Tăng, ngụ ở nhà số 143 bish phố Duvillier, theo bức thư của người chết gửi cho tôi. Tên Thổ văn minh, táo gan, hèn nhát, vô lý, đủ mọi điều bí mật; tên Thổ ấy, các ông nên biết rằng trước đây nửa giờ đã gặp tôi, và suýt nữa hại cả tôi và Văn Bình... Đây, tên ký của nó đây! Nó “ký tên” hai lần lên cái quai hàm của anh Văn Bình để tháo thân, và để thú tội luôn thể... Lại ký tên cả lên mảnh danh thiếp này nữa. Nét chữ của nó đây, và có lẽ những nét chữ ấy các ông đã thấy ở chiếc danh thiếp trước mặt Đường.
Kỳ Phương và Mai Trung cùng hỏi :
- Chiếc danh thiếp nào?
- Chiếc danh thiếp có những chữ bí mật...
- Nhưng... ở đâu?
- Kìa, tôi tưởng các ông xem rồi và cất đi! Các ông không thấy chiếc danh thiếp nào ở trên quyển sách kia ư? Thế ra chưa ai nói đến chiếc danh thiếp sao...
Kỳ Phương đứng phắt dậy. Ông ta đến cúi xuống tìm chỗ Lê Phong trỏ, rồi ngạc nhiên hỏi mọi người :
- Sao lại có chuyện chiếc danh thiếp? Ông Huy, ông Thạc! Các ông có trông thấy sao?
Huy và Thạc cùng nhìn nhau. Hai anh từ chỗ ngồi cùng chạy lại xem và cùng hết sức lo sợ, Thạc nói :
- Có, có tấm danh thiếp thực... Nhưng bây giờ đâu rồi?
- Sao lúc nãy ông không bảo tôi?
- Chúng tôi chắc thế nào lúc khám xét ông trông thấy cũng hỏi đến, vì chúng tôi không ngờ rằng...
- Ông không ngờ rằng mất? Thế này thì kỳ dị thật. Các ông chắc có trông thấy có tấm danh thiếp thực chứ?
- Vâng.
- Nhưng ai trông thấy? Cả ông Thạc, ông Huy...
- Vâng, và cả ông Văn Bình...
- Ở đâu?
- Trên cuốn sách này.
Bấy giờ Huy mới đem việc thấy tấm danh thiếp thuật lại rành mạch.
Cảnh tượng trong nhà vụt đổi khác hẳn đi vì sự kinh dị của mọi người. Họ tìm tòi một lát không thấy gì, cũng không hiểu làm thế nào mà tấm danh thiếp kia có thể mất được. Việc xảy ra có một tính cách kỳ quặc đem thêm sự bí mật vào vụ án mạng này. Kỳ Phương đăm đăm trông cái xác trơ trơ ngồi đó, ngẫm nghĩ một lát rồi quay lại hỏi Văn Bình :
- Trong mấy người chúng ta ở đây, có lẽ ông Văn Bình là người... là người “ngoại cuộc” nhất, nghĩa là ít liên can đến vụ án mạng này nhất, vậy ông ít bối rối hơn. Ở nhà này, ông cụ Lương, ông Huy, ông Thạc, và thằng nhỏ... mấy người này tôi đều hỏi cặn kẽ, nhưng không một ai đả động đến cái danh thiếp mà ông Lê Phong nói vừa rồi. Có lẽ trong lúc băn khoăn, trong lúc bị đèn nén vì cái không khí thảm đạm trong nhà này và giữa lúc đêm hôm này, họ đã quên cái danh thiếp lạ lùng kia đi, và cũng không có thì giờ để ý đến cái việc lạ lùng hơn: là cái danh thiếp ấy tự nhiên biến mất... Chỉ có ông Văn Bình có thể trả lời câu hỏi này của tôi: Ai trông thấy chiếc danh thiếp ấy trước nhất?
Bình đáp :
- Anh Thạc.
- Ông Thạc lúc trông thấy cái danh thiếp liền bảo các ông, các ông mới biết có phải không?
- Vâng, và anh Thạc cũng lấy làm lạ như chúng tôi.
- Trên danh thiếp có những chữ gì?
Một lát im lặng, Bình nhìn Thạc, và Thạc nhìn Huy.
- Các ông không nhớ sao?
Bình lắc đầu :
- Không nhớ rõ. Đại khái có những chữ như X. I. E. A. G. X.
Huy chữa lại :
- Không! X. A. E. X. I. G.
Thạc :
- Tôi thì tôi nhớ là X. A. X. E. I. G
Mai Trung phàn nàn :
- Giá các ông biên ngay lấy có hơn không?
- Chúng tôi có ngờ đâu sẽ mất...
- Phải, ai ngờ là mất...
Phương hỏi :
- Sau khi đi trình sở liêm phóng, có ai lên đây không?
Ông cụ trả lời :
- Bẩm không.
- Mà cửa sổ kia vẫn mở?
- Vâng.
- Một người ở ngoài có thể trèo qua cửa sổ vào mà dưới nhà không biết được không?
- Có thể được, nhưng chúng tôi tưởng ai còn dám vào đây lúc ấy?
- Sao không? Vào giết người còn được nữa là? Mà lúc vào cũng nhanh nhẹn yên lặng như lúc ra... Cụ nhớ kỹ rằng sau tiếng hỏi của người lạ mặt - của người Thổ - thì cửa dưới nhà khóa lại rồi đấy chứ?
- Vâng, chìa khóa tôi giữ gần ở mình. Lúc các cậu ấy đi xem chiếu bóng về, tôi phải lần mãi mới mở khóa được.
- Nhà có cổng sau? và cổng sau vẫn khóa?
- Vâng.
- Cái cửa có thể lên gác do lối đóng cổng sau vẫn cài then trong chứ?
- Vâng, lại có gióng đóng ngang. Người ở trong mở ra cũng khó...
Một câu hỏi yên lặng lại hiện lên trong trí mọi người. Từ Kỳ Phương đến Thạc, Huy, ai cũng có vẻ trầm ngâm. Duy có Lê Phong là mỉm cười đứng ở một phía và nhìn ra một cách ngạo nghễ.
Giữa lúc ấy dưới đường có tiếng xe hơi ngừng lại rồi những câu hỏi, nói xì xào đưa lên. Phong bước lại trước mặt Mai Trung :
- Xin phép ông thanh tra cho chúng tôi chụp mấy bức ảnh cho Thời Thế. Vì chúng tôi đến đây chỉ có việc ấy thôi.
Rồi anh chạy xuống thang, gọi mấy người phóng viên cũng vừa bước tới. Anh dặn :
- Bảo Văn Bình phỏng vấn ngay ông Kỳ Phương sau cuộc thẩm vấn. Các anh thì chụp lấy rõ mọi vật trên bàn học cùng với các xác chết trước khi họ cho đưa vào nhà thương. Phải nhanh tay lên, vò có lẽ họ không cần đợi đốc-tờ đến... Rồi về nhà báo làm việc ngay đi. Ô-tô tôi lấy bây giờ, đi có việc khẩn cấp.
Để bọn phóng viên lên gác, Phong liền rút cuốn sổ tay biên vội mấy câu rồi lẳng lặng đi xem xét mọi việc nơi dưới nhà, từ cái cửa ngang, cái gióng trong cho đến lối xuống bếp. Luồng ánh sáng ở chiếc đèn bấm soi vào các nơi một cách vô ích vì Phong không tìm thấy được sự lạ gì. Nhưng anh cũng có vẻ bằng lòng, vừa se sẽ huýt sáo miệng vừa nhảy từng ba bực để lên cầu thang.
Tới bực trên cùng, Phong đứng lại đợi cho Văn Bình thuật xong câu chuyện gặp tên Thổ ở phố Huế nửa giờ về trước cho mọi người nghge. Anh đằng hắng một tiếng rồi đủng đỉnh bước vào, nói như người tuyên bố :
- Các việc bí mật tôi xin cam đoan đến đúng ba giờ chiều ngày thứ bảy 27 tháng 8 tây sẽ khám phá ra hết.
Mai Trung cười nhạt :
- Xin phục tài ông Lê Phong, nhưng chúng tôi cũng xin nói để ông nhớ rằng ba phần tư việc bí mật ông Kỳ Phương đây đã khám phá được rồi.
Phong nhã nhặn gật đầu :
- Vâng, nhưng ba phần tư chưa phải là bốn phần tư; ông Kỳ Phương biết được có một người Thổ trong vụ này; ông Kỳ Phương có nhiều chứng cứ để bảo người Thổ là thủ phạm; ông Kỳ Phương cũng như tất cả chúng ta đây, biết là tên Thổ có đủ các mưu chước kỳ dị và có lẽ người ăn cắp cái danh thiếp chính là tên Thổ cũng nên... Vâng, tôi xin công nhận rằng người bạn của ông Mai Trung quả là một tài trí siêu việt và chính nhờ ông mà tôi tỉnh ngộ được sau một điều lầm lỗi rất to... Nhưng bây giờ tôi chuộc lỗi cũng chưa muộn. Vậy tôi xin cam đoan đến bảy hôm nữa, và ba giờ chiều ngày thứ bảy 27 tháng này sẽ bắt được chính hung thủ. Bây giờ tôi xin phép lui về cái địa vị làm báo và viết bài cho báo của chúng tôi.
Rồi anh bước vào bắt tay mọi người, lễ phép chào ông cụ chủ; nhìn cái xác của Đường một cách bình tĩnh, hỏi nhỏ Huy mấy câu thân mật, đòi Thạc thuốc lá mà Thạc mượn của Phong lúc ngồi trong nhà chiếu bóng, lại mượn bao diêm của Kỳ Phương châm hút; bằng ấy cử chỉ tự nhiên dễ dàng và vui vẻ như ở một nơi không xảy ra một việc gì lạ lùng.
Phong coi đồng hồ tay, mỉm cười :
- Ba giờ sáng rồi, ba giờ sáng ngày thứ bảy 10 tháng 8 tây... tôi phải nhớ kỹ lấy cái lúc quan trọng này vì tôi vừa mới hứa với ông Mai Trung và ông Kỳ Phương rằng đến một buổi kia tôi sẽ bắt được thủ phạm.
Đó là một câu thách thức, một lời khiêu khích mà tất nhiên Mai Trung không bỏ qua.
Mai Trung cũng nói :
- Còn ông Kỳ Phương với tôi thì không cam đoan, chúng tôi quyết bắt được hung thủ ngay chậm lắm là...
Ông ta còn đương nghĩ xem nên ra cho mình một thời hạn bao lâu, thì Kỳ Phương thản nhiên đỡ lời :
- Chậm lắm là đến... thứ năm, nghĩa là trước ông Lê Phong hai ngày...
Phong xịu mặt xuống một cách khôi hài, làm bộ phàn nàn :
- Nếu vậy thì tôi lại phải cố sức nhiều quá nhỉ. Năm ngày nữa? Chóng quá, nhưng tôi cũng xin cố theo kịp, và đây là giấy cam đoan của tôi.
Phong xé một tờ giấy ở cuốn sổ tay đưa cho Kỳ Phương rồi xuống ngay. Anh chạy ra đường, lên xe hơi, giơ tay chào người mật thám đứng gác dưới nhà rồi mở máy :
Trên gác, Kỳ Phương và Mai Trung đọc mảnh giấy “cam đoan” của Phong :
“X. A. E. X. I. G... là những cái mà chúng ta học từ lúc còn học A, B, C... bởi thế dễ hiểu lắm. Vậy xin mời hai ông Kỳ Phương và Mai Trung đến đúng ba giờ ngày THỨ HAI quá bộ lại tệ xá nghe Lê Phong phân giải về những chữ này... Và luôn thể bắt hung thủ ở đó. Lê Phong kính mời”.