Má Tám tên thật là Huỳnh Thị Tân, sinh năm 1910, quê quán ở đâu chính má cũng không nhớ rõ. Năm 1939, má cùng với chồng đến lập nghiệp ở làng Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gia đình má là cơ sở nuôi giấu hàng trăm cán bộ cách mạng và chiến sĩ quân đội. Cách mạng cần tài chính, cần lương thực, má đã đi vào vùng ven lạc quyên, mua lúa và vận động nhân dân ủng hộ quỹ kháng chiến được hơn 40 tấn thóc. Má còn làm trinh sát theo dõi tình hình địch, cung cấp cho dân quân chiến đấu nhiều tin tức quan trọng và kịp thời, góp sức tiêu diệt địch. Không biết bao nhiêu lần, má dẫn đầu quần chúng đấu tranh chống địch gom dân, bắt lính và đã bốn lần bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng má vẫn giữ vững khí tiết, bảo vệ được bí mật, an toàn. Má kể: một lần vào khoảng tháng 10-1960, má cùng một số chị em bị bắt giam tại nhà hát của quận. Chúng khảo tra, dụ dỗ, phân loại, rồi thả bớt chỉ giữ lại những người cầm đầu, trong đó có má. Một hôm, tên quận trưởng đích thân hỏi cung má:
- Nè bà già, ai xúi, ai biểu, ai cầm đầu bọn đàn bà con gái đến đây làm loạn?
Má bình tĩnh trả lời:
- Chỗ tù, chỗ tội ai dại gì xúi biểu cho khổ, chẳng qua là vì lính của mấy ông vô xóm bắn giết nhiều người dân vô tội, nên chúng tôi mạnh dạn đến thưa với mấy ông chứ làm loạn gì đâu. Chúng tôi chỉ muốn yên ổn làm ăn, muốn đừng bị chém giết bắt bớ tù đầy.
Tên quận trưởng cười khẩy:
- Dễ thôi, có hai cách: Một là rủ nhau vô ấp chiến lược mà ở để “quốc gia” bảo vệ, hai là kêu hết Việt cộng ra đầu thú, chớ còn theo cộng sản, còn che chở họ thì phải chết chung thôi. Xét cho cùng chính cộng sản giết dân đấy bà già ạ!
Tuy tức giận nhưng má vẫn điềm tĩnh:
- Thưa ông quận trưởng, vô ở đây thì không được rồi, vì chúng tôi không thể cạp đất mà sống. Còn Cộng sản giết dân thì tôi chưa hề thấy, nếu có thì chỉ thấy cộng sản chia đất cho dân, đánh Pháp đuổi Mỹ để đem lại độc lập tự do cho dân. Chúng tôi chỉ thấy biệt kích đốt nhà, giết dân, cướp bóc, hãm hiếp đàn bà con gái, làm tình làm tội dân nghèo…
Không để cho má nói hết lời, tên quận trưởng hét lớn:
- Bà im đi, bà dám nói xấu quốc gia, chính bà là Việt cộng. Còn dám xui dân làm loạn!
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gia đình má là cơ sở nuôi giấu hàng trăm cán bộ cách mạng và chiến sĩ quân đội. Cách mạng cần tài chính, cần lương thực, má đã đi vào vùng ven lạc quyên, mua lúa và vận động nhân dân ủng hộ quỹ kháng chiến được hơn 40 tấn thóc. Má còn làm trinh sát theo dõi tình hình địch, cung cấp cho dân quân chiến đấu nhiều tin tức quan trọng và kịp thời, góp sức tiêu diệt địch. Không biết bao nhiêu lần, má dẫn đầu quần chúng đấu tranh chống địch gom dân, bắt lính và đã bốn lần bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng má vẫn giữ vững khí tiết, bảo vệ được bí mật, an toàn.
Sau đó là những trận đòn roi tra khảo rồi lại dụ dỗ suốt 2 tháng trời. Không lung lay được má, bọn chúng buộc lòng phải thả má ra. Hôm đó là ngày 29 Tết. Về đến nhà, má mới hay người con trai thứ sáu của má là Sáu Quyền vì nóng lòng trả thù cho mẹ đã gia nhập quân du kích và chỉ hơn một năm sau anh đã hy sinh trong một trận đánh cảm tử vào đồn địch. Ngày anh Quyền mất, cũng là ngày người con trai thứ tư của má tên là Tư Quận, được rút lên tiểu đoàn Phú Lợi. Hai năm sau anh là trung đội trưởng. Sau khi anh Quận thoát ly năm 1961 thì sang năm 1962, 3 người con trai khác của má là anh Tám Nhơn, anh Quẩn và Út Phải rồi cả Vũ, con trai của anh Quẩn đã lên đường nhập ngũ. 5 người con trai và một người cháu nội của má ra đi mà không một ai trở về. Những tấm gương hy sinh anh dũng của con, của cháu má nhớ như in, má nhớ để mà thương, để mà tự hào vì những người con, người cháu, ruột thịt của má đã góp công sức, máu xương cho độc lập, tự do của đất nước.
Tại Đại hội Anh hùng lực lượng vũ trang tại thủ đô Hà Nội năm 1977, những lời phát biểu tâm huyết của má làm ai nấy đều xúc động:
- Cách mạng tháng Tám đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Đất nước bị chia cắt, chiến tranh chống Mỹ kéo dài, tôi nghĩ là người dân, dù gái hay trai, già hay trẻ, đều phải cầm súng đánh giặc. Con tôi chết đứa này, tôi cho đi đứa khác, còn tôi, nhiệm vụ làm mẹ chiến sĩ, tôi phải để chúng yên tâm chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Đó là con đường duy nhất để sống còn!
Năm 1978, mẹ được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất. Năm 1994, mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tấm gương chiến đấu hy sinh của má tiêu biểu và mẫu mực cho tấm lòng kiên trinh, trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Má mãi mãi là tấm gương sáng ngời và là niềm tự hào của phụ nữ Sóc Trăng nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung.
An Châu
Các chủ đề khác cùng chuyên mục này: