Chiến công bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa, ngày 3 và 4/1965 lâu nay được coi là chiến thắng đầu tiên ở “mặt trận trên không” của ta. Điều đó đúng, bởi đây là trận “đọ cánh” quyết liệt lần đầu tiên giữa hai lực lượng không quân ta và Mỹ bằng máy bay phản lực. Nhưng nếu nói lần đầu ta dùng máy bay đánh máy bay địch trên bầu trời thì phải nói đó là trận thắng của tổ bay Nguyễn Văn Ba - Lê Tiến Phước.
Vào giữa trưa ngày 16/9/1963, Bun-Khăm, phi công quân đội Hoàng gia Lào do chán ghét chế độ thân Mỹ của Chính phủ Lào lúc đó đã lái một chiếc máy bay T.28 từ đất Lào bay sang ta hạ cánh xuống sân bay Bạch Mai, Hà Nội. Để chuyến bay trót lọt, an toàn đạt được ý định sang “đầu quân” cho Việt Nam đã nung nấu từ lâu, Bun-Khăm đã chọn thời cơ nhân chuyến bay chào mừng sinh nhật Quốc vương khéo tách đội hình bay ra hướng biển rồi theo đường tàu hỏa bay đến Hà Nội. Rất may cho Bun-Khăm đã không bị pháo phòng không của ta “hỏi thăm”, bởi hôm ấy do dự báo có bão lớn nên các trạm rađa đã được lệnh thu hồi ăngten...
Có được chiếc máy bay mà trên đó có giá để bom, có hai khẩu 12 ly 7 này trong tay, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã nghĩ ngay đến việc phải dùng “vũ khí địch đánh địch” khi Mỹ - ngụy đang dùng máy bay thả biệt kích quấy phá miền Bắc. Phó Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307 nổi tiếng ở miền Nam được phân công trực tiếp thực hiện ý định này.
Theo nguyên tắc của hàng không, phi công không được bay trên bất cứ loại máy bay nào dù đã lái quen nó khi chiếc máy bay đó không có “lý lịch”.
Với chiếc máy bay lạ không có “lý lịch” mà cả Quân chủng chưa ai hiểu biết này, việc điều khiển nó, sớm đưa nó lên trời và lại phải đánh được máy bay địch vào ban đêm là một thử thách rất lớn với đội ngũ phi công, kỹ thuật và chỉ huy Quân chủng.
Không chịu bó tay trước mọi thử thách khó khăn và với trí thông minh sáng tạo, các cán bộ kỹ thuật của Quân chủng đã kiên trì “mổ xẻ” để hiểu rõ và tạo cho nó được một bản “lý lịch” mới, các cán bộ tham mưu cũng tìm ra được cách chỉ huy không có rađa dẫn đường, hạn chế dùng vô tuyến điện trên không. Chỉ còn khâu quyết định cuối cùng, phải điều khiển được nó và nổ súng chính xác vào máy bay địch ban đêm. Ai sẽ đảm nhiệm được trọng trách này?
Trong đội ngũ phi công của toàn Quân chủng, Nguyễn Văn Ba và Lê Tiến Phước đang là giáo viên bay giỏi của Đoàn Không quân 910 đã được chọn lựa. Ba là lái chính, Phước làm lái phụ cho Ba. Nguyễn Thủ và 4 thợ máy giỏi nhất của Đoàn bay 919 cũng được điều đến để bảo đảm cho chiếc T.28 - “Dân du mục” bay lên an toàn, ấn cò là súng nổ. Nhưng muốn thực hiện được khâu cuối cùng ấy, trước hết Ba và Phước phải làm chủ được chiếc “Dân du mục” này ở trên trời. Để hỗ trợ tối đa cho hai anh, sau những chuyến bay có Bun-Khăm hướng dẫn, Quân chủng đã điều đồng chí Hoàng Ngọc Trung, một phi công lái giỏi nhất loại máy bay IL-14 hiện đang là đoàn trưởng một đoàn bay vận tải về cùng các anh bay chuyển loại. Ba người phải vừa là thầy vừa là trò huấn luyện chéo cho nhau từ loại IAK-18 để cuối cùng Ba và Phước bay được trên chiếc T.28 cả ban ngày lẫn ban đêm.
Đến được đích này, Ba và Phước đã phải kiên trì tập luyện suốt ba tháng liền trên chiếc T.28 mà lúc này nó đã được sơn cờ hiệu Việt Nam và mang tên gọi mới là 963, tức là thời gian T.28 đến với Việt Nam vào tháng 9/1963. Những chiếc máy bay vận tải cánh quạt IL-2 hoặc IL-14 được điều động tới làm giả mục tiêu cho 963 luyện tập. Với các “mục tiêu giả” ở trên không và cả bằng cót ép ở dưới mặt đất đến cuối tháng thứ ba, chiếc “Dân du mục” đã ngoan ngoãn theo sự điều khiển của mình, Ba và Phước hai anh đã không chỉ phát hiện sớm được mục tiêu bằng mắt thường cả ban ngày lẫn ban đêm, mà còn tập bán chính xác, thuần thục.
Đấy là cơ sở vững chắc để Bộ Tư lệnh Quân chủng hoàn toàn yên tâm và tin tưởng khi ra lệnh cho 963 xuất kích. Thời điểm lịch sử vinh quang đó đã diễn ra với Ba và Phước vào lúc 1 giờ 7 phút ngày 16/2/1964 khi các anh được lệnh bay lên từ sân bay Gia Lâm. Trước đó lúc gần tới 24 giờ ngày 15/2/1964, khi nhận được tin có máy bay địch bay tốc độ chậm, bay thấp đang từ phía Nam bay ra, Sở chỉ huy Quân chủng đã cho các hệ thống quan sát bám sát và khẳng định: Đây chính là mục tiêu ta đang đón chờ. Do vậy Tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài đã lệnh cho 963 cất cánh đúng lúc nó đã bay dọc theo triền phía đông Trường Sơn hướng lên Tây Bắc.
Tổ bay 963 rời mặt đất bằng tín hiệu, không được dùng vô tuyến điện ngay từ phút đầu. Tiếp đó để giữ được bí mật, trong màn đêm mênh mông Ba và Phước đã phải như những chiến sĩ đặc công ém mình vào bóng đêm khôn khéo tiếp cận mục tiêu vào dinh lũy của địch. Sở chỉ huy chỉ cho hướng bay, độ cao, chỉ thị mục tiêu với những mệnh lệnh rất hạn chế, ngắn gọn, còn bản thân các anh phải phát hiện mục tiêu, hướng vào công kích giữa trời đêm nhìn núi cũng như mây này. Thế nên hai lần xuất kích trước đây các anh đều phải “tay không” trở về. Lần thứ nhất không phát hiện được mục tiêu. Lần thứ hai các anh bay qua đầu máy bay địch để nó mất hút trên rừng rậm bao la.
Từ kinh nghiệm đã để xổng “con mồi” đó, lần này 963 còn được hỗ trợ nhiều mặt kể cả dẫn sát mục tiêu từ Sở chỉ huy nên Ba và Phước rất vững tin ở mình. Khi khoảng cách giữa 963 với mục tiêu còn có 15km và ở độ cao 2.500m, qua thông báo của Sở chỉ huy Ba đã biết “quạ đen” đã ở bên phải mình 15 độ trên khu vực Hồi Xuân. Bây giờ người cuối cùng quyết định chiến thắng là anh và Phước, và tùy thuộc vào việc các anh có phát hiện được mục tiêu bằng mắt qua kinh nghiệm những đêm luyện tập mà máy bay IL-14 làm mục tiêu giả đã bật hết đèn và sự bình tĩnh tiếp cận bắn chính xác của anh. Kia rồi! Phước đã nhìn thấy chiếc C-123 đã hiện ra đen sẫm ở phía bên phải. Nó đang di chuyển trong ánh trăng vàng mờ xuyên qua những làn mây xốp.
Thời cơ vàng đã tới. Bây giờ tổ lái 963 quyết không để lỡ. Ba và Phước cùng căng mắt ra nhìn rồi ngay tức khắc, Ba cho máy bay tăng tốc tiếp cận mục tiêu từ phía trên đưa vòng ngắm vào động cơ bên phải chiếc C-123. Khi khoảng cách còn 150m nó đã hiện ra trước mặt cả Ba và Phước đầy đủ hình thù của chiếc C-123 cánh quạt khá kềnh càng của Mỹ.
- Đúng tên “biệt kích trên không” rồi Phước! - Ba nói như reo với Phước bằng thông thoại và hỏi liền: “Bắn được chưa?” khi nó đã lọt gọn vào tầm ngắm của khẩu trọng liên.
- Được rồi đó. Bình tĩnh nghe! - Phước phấn chấn trả lời và anh tập trung giúp Ba điều khiển máy bay ổn định để Ba tỉnh táo tính toán chính xác thời điểm siết cò. Đạn từ đầu chiếc 963 tới tấp bay ra găm thẳng vào động cơ bên phải chiếc C-123. Nó tròng trành phụt lửa ra rồi lại tắt. Ba liền bắn tiếp một loạt đạn nữa. Thêm động cơ bên trái của C-123 phụt lửa. Và khi thấy một khoảng đen hình vuông ở phía đuôi mở ra, Ba nhìn rõ đèn đỏ ở buồng lái, anh liền nhắm vào đó và nhả tiếp một loạt đạn dài làm cho chiếc C-123 tròng trành đảo nghiêng như thuyền trên sóng dữ. Lần này cả anh và Phước cùng sung sướng chờ một đám cháy lớn bùng lên giữa trời đêm. Nhưng vẫn không thấy, bởi cả ba loạt đạn của anh chỉ trúng vào động cơ và buồng lái, không trúng khoang chở dầu nên chiếc C-123 “tên giặc nhà trời” chỉ như con thú bị thương rồi rơi xuống vùng núi giáp biên giới Việt - Lào.
Sau trận thắng này của Không quân ta, máy bay đi thả biệt kích đã vắng hẳn trên bầu trời miền Bắc. Nó cũng là trận thắng để hai tháng sau đó Không quân ta bước vào “mặt trận trên cao” với niềm tin có thêm cơ sở. Cũng qua chiến công đó, Nguyễn Văn Ba cùng Nguyễn Tiến Phước đã được tặng Huân chương Chiến công Hạng 3.
Chính từ hiệu quả đó cộng thêm với những chiến công khác qua suốt 40 năm ở quân đội, Nguyễn Văn Ba, phi công lái chính của tổ bay 963 trong dịp kỷ niệm 50 Cách mạng Tháng Tám đã được Nhà nước ta tuyên dương phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Lúc này anh đang là Đại tá, Hiệu trưởng Trường Hàng không Việt Nam, đang dốc sức còn lại của mình góp phần đào tạo thế hệ trẻ tiếp tục sự nghiệp bảo vệ và khai thác nguồn lợi từ bầu trời của Tổ quốc thân yêu.
Cũng dịp này, má anh đã được truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”. Ba anh, nguyên Tỉnh ủy viên - liệt sĩ sau 28 năm nằm ở nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo đã được Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh Bến Tre tổ chức truy điệu trọng thể khi đưa hài cốt ông về yên nghỉ ở quê hương. Quả là con nên rồng bởi có mẹ rồng. Đây cũng là yếu tố quan trọng nung nấu ý chí để Nguyễn Văn Ba - một người con của quê hương đồng khởi Bến Tre đã là phi công bắn rơi máy bay địch đầu tiên trên bầu trời Việt Nam
Hà Bình Nhưỡng
Các chủ đề khác cùng chuyên mục này: