Sáng qua (17-2), tại thủ đô Phnom Penh, tòa án đặc biệt xét xử Khmer đỏ đã khai mạc phiên xét xử trùm Khmer đỏ đầu tiên Kaing Guek Eav (bí danh Duch). Thái độ hợp tác của bị cáo với tòa án là một trong những lý do bị cáo được đưa ra xét xử sớm nhất.
Hàng trăm nạn nhân và nhân chứng tham dự
Bị cáo Kaing Guek Eav, 66 tuổi, nguyên giám đốc trại giam Tuol Sleng - trung tâm giam giữ và tra tấn của chế độ diệt chủng Khmer đỏ (1975-1979), bị truy tố các tội danh gồm tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh, tra tấn, giết người. Bị cáo mặc áo xanh, mang kính, ngồi ủ rũ phía sau tấm kính chống đạn.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nil Nonn người Campuchia. Khoảng 300 phóng viên trong và ngoài nước cùng hàng trăm người dân tham dự phiên tòa. Trong số dân chúng có nhiều người từng là nạn nhân của chế độ diệt chủng Khmer đỏ.
Trong phiên tòa, các luật sư của bị cáo nói thân chủ của họ bị giam giữ gần 10 năm trước khi phiên tòa diễn ra là điều không thể chấp nhận vì luật Campuchia chỉ cho phép giam ba năm trước khi xét xử.
Luật sư và công tố viên quốc tế Robert Petit người Canada cũng tranh cãi về việc có cho Norng Chan Phal ra làm chứng trước tòa hay không. Norng Chan Phal bị giam giữ trong trại giam Tuol Sleng lúc mới tám tuổi và là một trong bốn trẻ em còn sống sót trong trại giam này.
Công tố viên Robert Petit cho biết ông đã đề nghị áp dụng tội danh phạm tội hình sự tập thể trong vụ án của bị cáo Kaing Guek Eav (nghĩa là một nhóm bị cáo cùng phạm một tội).
Theo kế hoạch, phiên tòa sẽ diễn ra trong ba ngày, chủ yếu hoàn thành thủ tục xác định danh sách nạn nhân và nhân chứng chứ chưa lấy lời khai của bị cáo và nhân chứng. Dự kiến tòa sẽ chấp nhận 98 nạn nhân và 60 nhân chứng dự phiên tòa.
Dự kiến tòa sẽ tuyên án vào tháng 9 tới. Nếu bị kết tội, bị cáo Kaing Guek Eav chỉ bị kết án cao nhất là chung thân vì Campuchia đã bỏ án tử hình từ năm 1989. Một ngày trước phiên tòa, thông qua luật sư, Kaing Guek Eav đã xin các nạn nhân tha thứ.
Tại sao xét xử chậm trễ?
Các phiên tòa xét xử Khmer đỏ diễn ra chậm trễ là do quá trình thương thảo giữa Campuchia và LHQ về việc thành lập tòa án đặc biệt xét xử Khmer đỏ diễn ra quá lâu.
Năm 1997, chính phủ Campuchia đề nghị LHQ hỗ trợ thành lập tòa án xét xử các đầu sỏ Khmer đỏ. Chính phủ Campuchia chủ trương tòa án phải được tổ chức ở Campuchia, sử dụng nhân lực và thẩm phán người Campuchia kết hợp với thẩm phán nước ngoài.
Campuchia cũng phải mời quốc tế tham gia xét xử vì hệ thống pháp lý của Campuchia còn yếu, bản chất tội ác diệt chủng của Khmer đỏ có yếu tố quốc tế và phù hợp với các tiêu chuẩn công lý quốc tế.
Hai bên đã phải thương thảo nhiều lần. Năm 2001, Quốc hội Campuchia thông qua luật thành lập tòa án đặc biệt để xét xử các tội ác chống nhân loại, trong đó có tội ác diệt chủng. Tòa án này hoạt động dưới sự bảo trợ của LHQ. Hai năm sau, chính phủ Campuchia thỏa thuận được với LHQ về thành phần quốc tế hỗ trợ và tham gia tòa án đặc biệt.
Năm 2005, tòa án đặc biệt chính thức được thành lập. Tuy nhiên, tòa án không thể mở phiên xét xử do phải tổ chức các buổi xem xét xin tại ngoại, kháng cáo quyết định không cho tại ngoại, quy trình xét xử. Một lý do khác là ngân sách thiếu hụt. Tòa án đặc biệt kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp 143 triệu USD để hoạt động đến năm 2010. Tuy nhiên đến nay, tòa án chỉ mới huy động được 100 triệu USD.
Hiện có 30 thẩm phán của Campuchia và quốc tế được chỉ định tham gia các phiên xét xử Khmer đỏ. Tòa sơ thẩm gồm ba thẩm phán Campuchia và hai thẩm phán quốc tế. Tại tòa sơ thẩm, phải có bốn ý kiến đồng ý về tội danh, bị cáo mới bị kết án. Tòa phúc thẩm gồm bốn thẩm phán Campuchia và ba thẩm phán quốc tế. Tại tòa này, phải có năm ý kiến thuận, bản án kết tội mới được đưa ra.
Bốn đầu sỏ Khmer đỏ còn lại đang bị truy tố gồm:
- Nuon Chea 83 tuổi, nguyên chủ tịch Quốc hội dưới thời Khmer đỏ, bị bắt vào tháng 9-2007. Nuon Chea là nhà tư tưởng của chế độ Khmer đỏ và cánh tay mặt của trùm Khmer đỏ Pol Pot. Nuon Chea bị khởi tố về tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại.
- Ieng Sary 84 tuổi, nguyên bộ trưởng Ngoại giao kiêm phó thủ tướng, cùng vợ là Ieng Thirith - nguyên bộ trưởng Xã hội. Cả hai bị bắt vào cuối năm 2007 và bị khởi tố về tội ác chống nhân loại. Riêng Ieng Sary còn bị khởi tố về tội ác chiến tranh.
- Khieu Samphan 77 tuổi, nguyên chủ tịch nước, bị bắt vào cuối năm 2007 và bị khởi tố về tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh
Ngày xét xử chưa được xác định nhưng dự kiến các phiên tòa xét xử sẽ hoàn tất vào năm 2011.
Norng Chan Phal, từng bị giam tại nhà tù khét tiếng S-21 (Toul Sleng) của Khmer Đỏ, hôm 16/2 đã kể chuyện anh và em trai làm thế nào để thoát chết.
Chan Phal, hiện đã 38 tuổi và là bố của 2 đứa con. Khi bộ đội Việt Nam tiến vào Phnom Penh chấm dứt chế độ diệt chủng, anh mới 8 tuổi. Chan Phal là đứa trẻ đầu tiên được biết đến như một chứng nhân sống về "địa ngục trần gian" lớn nhất thời Khmer Đỏ - nhà tù S21, nơi 16.000 phụ nữ, đàn ông, trẻ em đã bị tra tấn và hành hình dã man.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phal nói, anh cùng 3 đứa trẻ khác (trong đó có em trai anh) đã trốn vào đống giẻ rách khi đám lính cai ngục - những kẻ đã giết hại mẹ anh - tìm cách trốn chạy trước sự tấn công của bộ đội Việt Nam.
Trước đó, chỉ có 14 người trưởng thành được biết là còn sống sót khỏi nhà tù S21.
Câu chuyện của anh Phal được biết tới vào tuần trước khi một đoạn phim lần đầu tiên được công bố. Đoạn phim ghi lại cảnh bộ đội Việt Nam tiến vào nhà tù S21, nơi còn gọi là Toul Sleng, cứu những em bé còn sống. Trong nhà tù, những thi thể chất đống, có cái bị chặt đầu.
Phal đã lớn lên trong một trại mồ côi. Phal kể lại, bố anh bị bắt và đưa tới Toul Sleng năm 1978. Sáu tháng sau, mẹ anh cũng bị bắt. Phal và em trai được đưa tới nhà tù cùng mẹ.
Mẹ Phal bị nhốt trong xà lim tầng 2, còn Phal và em trai được chuyển tới khu bếp của nhà tù để chăm sóc rau trong vườn.
"Tôi thấy mẹ nhìn chúng tôi qua cửa sổ. Ngày hôm sau, tôi không còn nhìn thấy bà nữa", Phal kể. Nhân chứng sống của trại giam Toul Sleng bật khóc tại cuộc họp báo.
Phal nói, khi đó (tháng 1/1979), anh và những đứa trẻ khác đã trốn trong đống quần áo bị vứt bỏ của tù nhân. Các cai tù tống mọi người lên xe để đưa họ đi trước khi bộ đội Việt Nam tiến vào giải phóng nhà tù này.
"Một phụ nữ tới để đưa bọn trẻ lên xe. Tôi bảo em trai trốn vào đống quần áo. Vì họ đang vội vã nên không tìm thấy chúng tôi. Tôi trốn ở đó và hy vọng mẹ sẽ tới tìm chúng tôi", anh kể lại.
Bộ đội Việt Nam đã trao lương thực cho lũ trẻ còn sống và đưa tới bệnh viện. Hai nhà nhiếp ảnh đã quay đoạn phim trên là Hồ Văn Tây và Dinh Phong cũng có mặt ở buổi họp báo. Hai ông cho biết đã tới Toul Sleng vào thời điểm đó và tìm thấy 5 đứa trẻ đang trốn, một em sau đó đã chết.
Đoạn phim trên mới được Chính phủ Việt Nam trao cho Trung tâm tư liệu Campuchia, tổ chức thu thập gần 1 triệu tài liệu liên quan tới thời kỳ Khmer Đỏ.